Đà Nẵng nỗ lực hoàn thiện Đề án Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo

Sáng 01/6, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về Đề án Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cùng chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội nhằm hoàn thiện đề án Phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu 5.000 kỹ sư vi mạch năm 2030

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) thông tin tóm tắt dự thảo Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch thành phố Đà Nẵng, gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng đề án, nội dung và tổ chức thực hiện.

Trong phần tổng quan, dự thảo phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo; thực trạng tại Việt Nam và Đà Nẵng; phân tích thực trạng, cơ hội và thách thức ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam và Đà Nẵng.

Về cơ sở hạ tầng, Thành phố Đà Nẵng hiện có 3 Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận gồm: Khu công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu CNTT tập trung và Khu phức hợp Văn phòng FPT. Bên cạnh đó, có 3 Khu CNTT đang thực hiện chủ trương đầu tư: dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân; Dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay; Tòa nhà Viettel Đà Nẵng.

Về doanh nghiệp hoạt động ngành vi mạch bán dẫn, theo khảo sát thực tế trên địa bàn thành phố, hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch gồm: 7 chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Synopsys Vietnam, Marvell Technology VietNam, Uniquify Vietnam, Savarti Company Limited, Renesas Designe Vietnam, Quest Global Designe Vietnam, Sannei Hytechs; 3 doanh nghiệp trong nước thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam là FPT Semiconductor, Viettel Hi-Tech và Acronic.

Về nguồn nhân lực, ước tính có khoảng 550 kỹ sư thiết kế vi mạch (chiếm 7% nhân lực thiết kế vi mạch toàn quốc). Phần lớn các sinh viên được đào tạo từ Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), số còn lại từ Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Hàn.

Mục tiêu đến năm 2030, Thành phố hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo mới và kết hợp chuyển đổi ít nhất 10% nhân lực ngành CNTT Đà Nẵng.

Hướng tới Thành phố hình thành 20 doanh nghiệp thiết kế, dịch vụ thiết kế, 1 doanh nghiệp đóng gói kiểm thử, 5 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và phát triển. Thành phố có 5.000 kỹ sư, trong đó 1.500 kỹ sư thiết kế và 3.500 kỹ sư kiểm thử, đóng gói.

Phần tổ chức thực hiện sẽ được xây dựng sau khi tiếp nhận các góp ý, đề xuất, cũng như xem xét các yếu tố liên quan.

Tập trung huy động vốn để thực hiện đề án

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất định hướng phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.

Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất, đề án cần thể hiện ý chí của thành phố về phát triển công nghiệp, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như nêu rõ những cam kết đầu tư; không nên dàn trải đều mà cần lựa chọn phân khúc ưu tiên tập trung phát triển; nên tập trung đào tạo nhân lực, thị trường và phối hợp hợp tác đầu tư.

Ngành công nghiệp vi mạch bá dẫn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Bên cạnh nguồn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước và xây dựng cơ chế đặc thù, Đà Nẵng cần huy động nguồn đầu tư khác, đặc biệt nguồn lực từ doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, nguồn đầu tư xã hội hóa phải chiếm tỷ trọng áp đảo.

Muốn xây dựng thành công hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn, Đà Nẵng cần hoàn thiện nhiều vấn đề cấp thiết như sở hữu trí tuệ, thông tin thị trường, định giá… Thực tế hiện nay, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học từ nhà trường sang doanh nghiệp còn gặp khó về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Nguyễn Quân nhấn mạnh, “Tất cả lĩnh vực chỉ có thể tồn tại phát triển khi chúng ta có thị trường. Hiện thị trường nội địa ngành bán dẫn có nhưng vẫn nhiều hạn chế nên cần vươn ra thị trường thế giới. Theo tôi, Đà Nẵng cần có quỹ phát triển khoa học để thu hút tất cả nguồn lực, kể cả nguồn lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI”.

Đầu tư mạnh về xây dựng cơ sở vật chất.

Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đề xuất giải pháp về phát triển nguồn nhân lực.

Ông Đoàn Quang Hoan, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đề xuất thời gian thực hiện đề án khoảng 10 năm, trong đó xây dựng phân kỳ để triển khai cụ thể về nguồn lực đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp về tuyển dụng để giải quyết vấn đề đầu ra cho nguồn nhân lực sau đào tạo.

Về mục tiêu có 5.000 nhân lực bán dẫn vào năm 2030, đề án cần xác định rõ số lượng bao nhiêu là đào tạo dài, bao nhiêu là ngắn hạn, để có chính sách thúc đẩy hoạt động của các cơ sở đào tạo. Thành phố cần hỗ trợ các trường đại học phát triển nhân lực chất lượng cao thông qua đầu tư mạnh về xây dựng cơ sở vật chất.

Thành phố cần ưu tiên phát triển hạ tầng như mặt bằng và nguồn điện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Về tiêu thụ năng lượng, thực tế hiện nay các nhà máy sản xuất chip ở Đài loan tiêu thụ 7,4% nguồn điện quốc gia là thông tin cần tham khảo khi xây dựng đề án.

Với tiềm lực, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn đủ điều kiện để đi tiên phong, tuy nhiên nguồn vốn để thực hiện đề án chưa có nên cần giải pháp để thu hút nguồn lực.

Thành phố kịp thời hoàn thiện và ban hành Đề án vào giữa năm 2024

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, từ tháng 10-2023 đến nay, Thành phố đã đạt được một số kết quả ban đầu trong lĩnh vực phát triển bán dẫn, vi mạch. Cụ thể, về đào tạo nhân lực, thành phố triển khai 1 lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên, có 3 trường đại học mở 3 lớp đào tạo thiết kế vi mạch; 3 trường đại học thông báo tuyển sinh đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch với 170 chỉ tiêu từ tháng 8-2024. Tính đến nay, Đà Nẵng đã có 41 kỹ sư ngành gần và 59 giảng viên đang được đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch

Bên cạnh, Thành phố đã hình thành liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác đào tạo với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và Công ty Synopsys để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam.

Về thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài , trong 5 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng kết nối và làm việc với 22 đoàn doanh nghiệp, tổ chức lớn hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Về cơ sở hạ tầng, ngày 01/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP cho phép thành phố Đà Nẵng sử dụng hạ tầng CNTT của Khu Công viên phần mềm số 2 với tổng diện tích hơn 90.000m2và cung cấp điều kiện làm việc cho 6.000 nhân sự ngay vị trí đắc địa của thành phố. Dự kiến, Khu Công viên phần mềm số 2 sẽ đi vào hoạt động từ quý 4/2024 với toà nhà ICT 1 và quý 1/2025 đối với 2 tòa nhà còn lại.

Về chính sách phát triển trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, thành phố đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù thành phố Đà Nẵng, trong đó có các chính sách, cơ chế ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo

Các tham luận, ý kiến tại hội thảo cung cấp những góc nhìn đa chiều, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về mô hình phù hợp để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho công tác hoàn thiện và triển khai đề án, các chính sách đặc thù trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị Sở TT&TT khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án, chính sách và trình cấp có thẩm quyền để Thành phố kịp thời ban hành vào giữa năm 2024; đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay sau khi đề án, chính sách được ban hành một cách hiệu quả, toàn diện, đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Về phía các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo, Thành phố mong muốn các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chương trình, lộ trình đào tạo, giúp công tác phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bám sát yêu cầu, thực tiễn phát triển của thành phố.

Quang cảnh Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khuôn khổ hội thảo, Sở TT&TT ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội về hợp tác chuyên môn, nghiên cứu phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2024-2029.

Ký kết này nhằm góp phần xây dựng lộ trình đào tạo nguồn nhân lực, phát triển ngành vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Thành phố cũng như đóng góp phát triển chung của xã hội.

Theo báo Đà Nẵng online

 

Dark mode