Sáng ngày 20/12/2023, tại Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM, Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) cùng hai thành viên của Hội là Xelex Group và Tân Tiên Phong, đã có buổi làm việc cùng Phó Giám đốc Sở TTTT – ông Võ Minh Thành.
Ông Nguyễn Ái Hữu, Tổng Giám đốc Xelex Group, cho biết hiện nay doanh nghiệp đang tiên phong trong lĩnh vực sản xuất máy laptop và máy tính bảng, với phần chip AI của Qualcomm, có tính năng bảo mật cao, tiêu thụ năng lượng thấp.
Xelex ra mắt 2 dòng máy tính bảng đầu tiên mang thương hiệu Xelex 7 và Xelex 10. Tháng 3/2022, Xelex đã thiết kế thành công chiếc máy tính bảng 2 in 1 (laptop và tablet), được đặt tên thương mại GamaTab X11. Xelex hiện là đơn vị tiên phong của Việt Nam về lĩnh vực máy tính do chính các chuyên gia và kỹ sư 100% là người Việt Nam làm chủ được cả thiết kế phần cứng và phần mềm.
Đây là laptop đầu tiên của Xelex dùng bộ xử lý ARM cung cấp thời lượng pin lâu và hiệu suất phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày. Máy được gắn chip Qualcomm Snapdragon 7c Gen 2 mang sức mạnh tương đương Intel Core i5 7200U, trong khi mức tiêu thụ điện năng TDP chỉ 7W. GPU tích hợp bên trong, RAM 8 GB và ổ cứng 256 GB. Gama Book XQ13.3 hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên học sinh cũng như các tác vụ văn phòng.
Nhiều người còn nhớ trong một sự kiện vào tháng 7/2022, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, cho biết là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, Qualcomm coi Việt Nam là một trong những trọng điểm hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Đồng thời ông Thiều Phương Nam cũng khẳng định, sẽ hỗ trợ mục tiêu “make in Việt Nam” thông qua việc hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các đối tác, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực như Công ty Xelex.
Đặc biệt tại sự kiện này cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển các dòng máy tính xách tay trên nền tảng Qualcomm Snapdragon và thiết bị 5G router “make in VietNam” giữa Xelex và Qualcomm.
Lễ ký kết này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp máy tính Việt Nam khi máy tính xách tay được thiết kế bởi người Việt Nam trên nền tảng chip snapdragon của hãng Qualcomm – một trong các hãng chip hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, để các sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, Xelex Group cần có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và TP.HCM để tạo thị trường từ lĩnh vực đầu tư công, các chính sách ưu đãi về thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập của chuyên gia.
Đồng thời, những điều kiện để được hưởng mức thuế ưu đãi cũng cần có sự điều chỉnh cụ thể, chẳng hạn tỷ lệ nội địa hoá chưa phù hợp; điều kiện tham gia đấu thầu sản phẩm phải lưu hành trên thị trường ít nhất 3 năm, với những doanh nghiệp Starup sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, cần hình thành Quỹ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp Starup, đặc biệt trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn và sản xuất đến sản phẩm cuối cho người tiêu dùng như Xelex Group.
Ông Nguyễn Ái Hữu đề nghị cần xây dựng chính sách phát triển các sản phẩm Điện tử và Vi mạch Make in Việt Nam.
– Nhà nước tiên phong tạo thị trường khuyến khích sử dụng các sản phẩm điện tử và dịch vụ Make in Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho thị trường tiêu dùng sẽ giảm bớt sự e ngại và giảm tâm lý sính ngoại, từ đó sẽ kích thích nhu cầu, tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản phẩm mới.
– Nhà nước sớm phát triển nhanh và mạnh các công nghiệp phụ trợ bên cạnh xây dựng một cơ sở dữ liệu về các loại hình doanh nghiệp này giúp doanh nghiệp chế tạo các sản phẩm điện tử Make in Việt Nam nhanh chóng hơn.
– Nhà nước sớm xây dựng các quỹ đầu tư khởi nghiệp hay còn gọi là đầu tư thiên thần nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp Điện tử và Vi mạch Việt Nam sớm tiếp cận các nguồn vốn này trong thời gian đầu khởi nghiệp sáng tạo.
– Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ một phần các chi phí đào tạo lại các nhân sự nhận các chứng nhận quốc tế trước khi vào làm các việc cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm điện tử và vi mạch Make in Việt Nam có chất lượng quốc tế.
– Nhà nước sớm ban hành các khung pháp lý và các quy định cụ thể, bộ tiêu chí tiêu chuẩn để tạo điều kiện ưu đãi thuế tốt nhất cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm Make in Việt Nam.
– Nhà nước cần sớm ban hành luật chứng nhận sản phẩm Made in Viet nam để thuận lợi cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm Make in Viet nam khi tham gia các gói thầu mua sắm của Chính phủ.
Cũng tại buổi họp này, Công ty Tân Tiên Phong đã trình bày mô hình Tổ hợp Dịch vụ TP thông minh xanh, trong đó tích hợp nhiều dịch vụ như vệ sinh, hướng dẫn du lịch, bán hàng tự động, sạc pin xe điện, bảng truyền thông, bán hàng Ocop…
Phó Giám đốc sở Võ Minh Thành đã lắng nghe các ý kiến và chỉ đạo cần làm rõ hơn , cụ thể hơn, cũng như đề xuất hướng giải quyết để TP.HCM có thể kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách tháo gỡ cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn.
Riêng hệ thống Tổ hợp dịch vụ thông minh Xanh sẽ liên quan đến vị trí đất công khi xây dựng tổ hợp nên cần nghiên cứu kỹ chính sách và cách làm phù hợp pháp luật qui định. Trước mắt, các hệ thống đang có của công ty nên nâng cấp theo mô hình này phục vụ du khách và người dân TPHCM.