Diễn đàn “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.Hồ Chí Minh” trong bối cảnh triển khai và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ hội để chính quyền Thành phố tiếp cận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các nhà đầu tư, từ đó, tiến hành cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Thành phố.
Trong bối cảnh thúc đẩy thu hút đầu tư vào các dự án xanh, quyết tâm cao của Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh theo nội dung của Nghị quyết 98/2023/QH15, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 – Kỳ 2 với chủ đề: “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.Hồ Chí Minh” vào ngày 20/9/2024.
Đến tham dự diễn đàn và phát biểu chỉ đạo có ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh và sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện các cơ quan có thẩm quyền, luật sư, chuyên gia, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, Diễn đàn vinh dự tiếp đón các chuyên gia: TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) kiêm Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, ông Nguyễn Phan Đính – Phó Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh kiêm Trưởng nhóm Công tác Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng EuroCham Việt Nam kiêm Giám đốc Quốc gia Công ty EDF, ông Nguyễn Đức Minh – Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam), TS. Lê Nết – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), ông Choi Kyu Chul – Trưởng Ban Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), TS. Nguyễn Quốc Vinh – Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH Scientia và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), bà Ngô Quỳnh Anh – Luật sư Thành viên Cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt,…
Toàn cảnh diễn đàn “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.Hồ Chí Minh”
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết Thành phố đã Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, đã có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 – đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại Thành phố. Tuy nhiên, Thành phố còn nhiều trăn trở để có các chính sách tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Thành phố.
Trong bài phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tich Võ Văn Hoan hoan nghênh ý tưởng tổ chức diễn đàn đầu tư, thúc đẩy kinh tế xanh và cho rằng đây là cơ hội để chính quyền Thành phố tiếp cận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các nhà đầu tư, từ đó, tiến hành cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại Lễ khai mạc Diễn đàn – Ảnh: ITPC
Trong diễn văn khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã cập nhật những diễn biến khi triển khai dự án năng lượng tái tạo tại Thành phố và các vấn đề nan giải đã và đang phải đối mặt khi thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xanh. Từ nhược điểm hạn chế về quỹ đất nhưng tận dụng những nguồn lực có thế mạnh và cơ chế đặc thù Nghị quyết 98, Thành phố định hướng sẽ phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải) trong tương lai gần.
Bà cho biết TP HCM tiêu thụ khoảng 28,5 tỷ kWh điện năm ngoái, chiếm 15% cả nước. Nhưng Thành phố không có tiềm năng phát triển thủy điện, không quan tâm nhiệt điện than do vấn đề môi trường, nên năng lượng tái tạo là lựa chọn hợp lý cho địa phương.
Với điện mặt trời, Thành phố được phát triển 166 MW điện mặt trời mái nhà công sở theo Nghị quyết 98. Ngoài ra, Thành phố cũng đang đề xuất Bộ Công Thương xem xét quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác với công suất đến năm 2030 là 340 MW trong kế hoạch triển khai 5 dự án nhà máy phát điện từ nguồn nguyên liệu này.
Và trong tương lai xa hơn, khi các điều kiện kinh tế – kỹ thuật cho phép, Thành phố cũng đang xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ. Để hướng đến tương lai này, chính quyền và nhà đầu tư cần cùng nhau nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để cùng thực hiện có hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.
Thành phố đã đề xuất Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai các thủ tục nghiên cứu 2 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ với tổng công suất 8.000 MW để phát lên lưới điện quốc gia và sản xuất hydrogen xanh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu khai mạc diễn đàn
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp Thành phố ứng phó với tác hại đối đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Hiện nay, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp, do khung quy định pháp lý và chính sách trong lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Từ đó, dễ xuất hiện nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiến nhà đầu tư và nhà nước đều tõ ra quan ngại, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 của Thành phố trong lĩnh vực này gặp không ít thách thức và khó khăn dù có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Từ nhận định đó, TS. Trần Du Lịch Lịch nhấn mạnh, chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng phối hợp trong việc nhận diện vấn đề và tìm ra giải pháp hóa giải những thách thức. Từ Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch cũng kỳ vọng các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ Thành phố trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành an toàn, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) TS. Trần Du Lịch tại Diễn đàn
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, đại diện Trưởng nhóm công tác Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư – Kỳ II cảm nhận Thành phố có những tín hiệu khả quan, đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền trong việc cụ thể hóa và hiện thực hóa những quy định thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Về dự án năng lượng tái tạo, ông Thắng cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với các dự án năng lượng mặt trời. Cho nên, để tạo dựng sự an tâm cho các bên nhằm triển khai hiệu quả các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn ở một cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng dẫn chứng một số mô hình đầu tư điện mặt trời mái nhà thành công tại một số quốc gia trên thế giới như SolarNova của Singapore, Resco của Ấn Độ,… và đề xuất Việt Nam cần tham khảo và cân nhắc áp dụng các mô hình này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, trong “Báo cáo về thực trạng quy định và vận dụng quy định pháp luật trong đầu tư dự án năng lượng tái tạo” LS. Nguyễn Đức Minh – Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam) nhận định những ưu đãi tại Nghị quyết 98 được cho là chưa hấp dẫn, cần thêm nhiều hỗ trợ từ chính quyền và đề xuất Thành phố nên sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo cụ thể, có hướng dẫn cụ thể về phương thức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội.
Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam) Nguyễn Đức Minh
Trong báo cáo chuyên môn “Các vấn đề trong đầu tư điện mặt trời mái nhà và khuyến nghị cho quy định về điện mặt trời mái nhà tại Nghị quyết 98”, TS. LS. Lê Nết – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) cho rằng mức phân bổ 166 MW điện mái nhà công sở cho TP HCM là quá ít, cần nâng trần chỉ tiêu này thêm để mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp.
Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) TS. Lê Nết
Trong chương trình Diễn đàn, người tham dự còn được nghe cuộc đối thoại giữa Nhóm Công tác, Nhóm Chuyên môn và các điều phối viên như:
– Ông Choi Kyu Chul – Trưởng Ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM);
– Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham)
– TS. Nguyễn Quốc Vinh – Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH Scientia, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);
– LS. Ngô Quỳnh Anh – Luật sư Thành viên Cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt
Và cuộc trao đổi, giải đáp thắc mắc giữa các chuyên gia và người tham dự.
Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 – Kỳ 2 với chủ đề: “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại TP.Hồ Chí Minh” là sự kiện cấp thiết và kịp thời trong bối cảnh triển khai và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, là diễn đàn đầu tư, thúc đẩy kinh tế xanh và là cơ hội để chính quyền Thành phố tiếp cận và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các nhà đầu tư, từ đó, tiến hành cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thành phố.
Qua sự kiện quan trọng này, mong rằng Thành phố sẽ có những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán trong việc hoàn thiện chính sách và nền tảng pháp lý thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, có tư duy táo bạo trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và mở rộng môi trường đầu tư vì sự phát triển kinh tế bền vững của Thành phố.