Ngày 24/4/2024, Tetra Pak – công ty cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du (Bắc Ninh) và Công ty CP Lagom Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết bốn năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn, đánh dấu một bước tiến mới của công ty và các đối tác trong hành trình tiến tới nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon.
Theo đại diện của Tetra Pak, tính từ tháng 5/2020 tới nay, chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực và bền bỉ của 19 điểm trường tại Tiên Du và 15 điểm trường tại các vùng phụ cận của tỉnh Hưng Yên và TP. Hà Nội, tác động đến nhận thức và thói quen phân loại, thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống của trên 60.000 học sinh, giáo viên và khoảng 250.000 người dân, qua đó góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng văn hoá phân loại rác trong cộng đồng cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện cam kết tái chế bao bì sau khi sử dụng theo quy định về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu).
Bà Lương Thanh Thư, Trưởng phòng Phát triển bền vững, Tetra Pak Việt Nam cho biết, mô hình thu gom và tái chế tại huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) có ý nghĩa rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên Chương trình tái chế vỏ hộp giấy học đường mở rộng đến với khu vực tỉnh, mà không phải là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Với những kết quả đã đạt được, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng mô hình thu gom vỏ hộp giấy tại Tiên Du trở thành nòng cốt để nhân rộng đến toàn tỉnh Bắc Ninh, từ đó chia sẻ với cơ quan quản lý gánh nặng trong việc xử lý rác thải, hỗ trợ các nhà sản xuất thực hiện hiệu quả trách nhiệm tái chế bao bì của mình như quy định. Chương trình cũng sẽ giúp chúng tôi tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon tại Việt Nam.
Được phát triển từ mô hình hoạt động thu gom, tái chế vỏ hộp giấy tại các trường học ở TP. Hà Nội và TP. HCM do Tetra Pak và Lagom Việt Nam khởi xướng từ năm 2018, chương trình thu gom vỏ hộp giấy tại huyện Tiên Du đã được Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tiên Du cùng các đơn vị liên quan triển khai từ tháng 5/2020, từ đó lan tỏa rộng hơn đến các khu vực phụ cận của tỉnh Hưng Yên và TP. Hà Nội. Sau gần bốn năm, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.
Bà Trần Thị Hoa – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Việc giảm phát thải carbon là vấn đề cần sự chung tay của nhiều phía, từ người dân cho đến chính các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá cao ý tưởng hợp tác thực hiện thu gom vỏ hộp giấy tại trường học của Tetra Pak và Lagom cũng như những kết quả mà chương trình đã đạt được. Tôi hy vọng những kết quả này sẽ là động lực và mô hình để các nhà sản xuất trên địa bàn học tập kinh nghiệm, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường. Tỉnh Bắc Ninh cam kết tạo điều kiện tối đa để việc triển khai thu gom vỏ hộp giấy đạt hiệu quả cao nhất.”
Là đơn vị phối hợp với Tetra Pak, ông Trần Văn Hiếu – Phó giám đốc Công ty CP Lagom Việt Nam cho biết, Lagom và Tetra Pak đã đồng hành cùng nhau trong nhiều dự án thu gom và tái chế, giúp lan tỏa thông điệp và giáo dục hành vi cho hàng ngàn học sinh và thầy cô tại các điểm trường phân loại và thu gom vỏ hộp giấy. Vì vậy, chúng tôi vô cùng vui mừng chứng kiến thành quả đạt được bằng sự tâm huyết của mình sau bốn năm triển khai chương trình, qua đó giúp Lagom từng bước hiện thực hóa mục tiêu tái chế 100% các sản phẩm và bao bì từ rác.
Được biết, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực hợp tác cùng với các đối tác thu gom, các đơn vị như trường học, siêu thị bán lẻ… để không ngừng nhân rộng mô hình thu gom và tái chế như tại trường học và trong cộng đồng. Mới đây, Tetra Pak Việt Nam cũng đưa chương trình đến với tỉnh Bình Dương – nơi công ty đặt nhà máy sản xuất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Tetra Pak Việt Nam vẫn đang tiếp tục làm việc với các bên liên quan để mở rộng chương trình tái chế học đường đến với nhiều tỉnh, thành hơn nữa, qua đó đóng góp cho phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon.
P.Ngọc