Dùng giải pháp hữu cơ, vi sinh phòng trị hiệu quả bệnh thối ngó cây sen

Bằng giải pháp hữu cơ, vi sinh, bệnh thối ngó, cháy lá cây sen Đồng Tháp đã được khống chế hiệu quả. Đây là giải pháp phát triển bền vững sen Đồng Tháp.

Giáo sư Nguyễn Thơ – người nặng lòng nông nghiệp hữu cơ

Mấy tháng trước, Giáo sư Nguyễn Thơ – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Bệnh lý Cây trồng Việt Nam, liên tục có những chuyến công tác lên Tây Nguyên rồi quay về miền Tây, khiến chúng tôi không khỏi cảm phục sức làm việc của ông.

Tuổi đã ngoài 80, nhưng dường như ông không mệt mỏi khi ngồi xe hơi nhiều giờ để đến những vùng đất xa xôi, khi nơi đó cần những kiến thức của ông về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…

Những lần gặp gỡ vào cuối tuần gần đây của những người đã gắn bó với ông thời ký phát triển ngành bông Việt Nam, ông tranh thủ cho tôi xem những hình ảnh đầm sen mà ông ở Đồng Tháp mà ông mới đến khảo sát, hoặc những hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh ở Tây nguyên đang bị nấm cần có giải pháp khắc phục.

Giáo sư Nguyễn Thơ – người nặng lòng nông nghiệp hữu cơ
Giáo sư Nguyễn Thơ – người nặng lòng nông nghiệp hữu cơ

Tôi chú ý đến hình ảnh những cánh đồng sen đang bị bệnh, thui chột, trông xơ xác, vài cái lá ngoi lên mặt nước bị nám cháy trông tàn tạ. Rồi ông đưa những hình ảnh đã xử lý đầm sen bằng phương pháp dùng vi sinh cân bằng sinh thái nên những ngó sen đang vươn lên, những chiếc lá còn chưa mở hết phiến mạnh mẽ chĩa lên bầu trời, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trở lại.

Sáng nay, ông chuyển những thông tin vui, đầm sen bị bệnh ấy đã được khắc phục và sen đã tươi tốt, đang ra hoa thật đẹp, chủ đầu sen đã thu hoạch lại ngó sen để bán…

Chúng tôi vui với niềm vui của người giáo sư lớn tuổi nhưng luôn miệt mài với nền nông nghiệp hữu cơ, bằng việc làm đầu tiên từ mấy năm trước ông đã không ngừng lên tiếng, hãy giải cứu đất, đưa đất trở lại xuống và đầy dinh dưỡng như trước đây, đừng bón phân hóa học để làm chai đất, đất chết từ từ.

Quá trình giải cứu đất chính là cân bằng lại sinh thái, không chỉ giúp sản phẩm nông nghiệp không bị tồn dư hóa chất mà ở từng vùng sẽ có những hệ sinh thái khác nhau, những loại vi sinh vật khác nhau sinh sống, sẽ giúp dựng lại những sản phẩm nông nghiệp đặc sản mà chỉ vùng đó mới có, mới ngon thì mới mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Ngay từ những ngày cách đây trên 20 năm, khi phát triển cây bông vải, với phương thức sản xuất bông trong từng hộ gia đình, cây bông lại rất được nhiều loại sâu ưa thích, Công ty Bông Việt Nam đã từng có đội quân khuyến nông hùng hậu nhất nước, đi sát đến từng hộ dân để hướng dẫn người nông trồng, chăm sóc, thu hái bông nhằm mang lại hiệu quả với chi phí giá thành thấp nhất.

Trong đó, một giải pháp được triển khai đồng bộ để người nông dân không phải chi phí quá nhiều cho thuốc trừ sâu, chính là cân bằng sinh thái bằng những con thiên địch, tiêu diệt sâu bọ có hại ngay từ trong trứng hay ấu trùng. Phương pháp IPM – Quản lý dịch hại tổng hợp, lúc đó được nhắc đến rất nhiều.

Sau này, với sự giúp đỡ của các giáo sư đến từ Nhật Bản, Giáo sư Nguyễn Thơ đã có những dòng vi sinh rất hữu hiện để giải cứu đất cho từng khu vực. trong đó, các nhà khoa học đã đến tận nơi, nghiên cứu đất và hệ sinh thái của nơi ấy, phân lập ra các dòng vi sinh bản địa giúp đất phục hồi, biện pháp căn bản nhất để ứng dụng triển khai các biện pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thành công ở ruộng sen đang bị bệnh thối ngó – khô lá tại Đồng Tháp là một minh chứng.

Một ca cứu cánh đồng sen thành công kinh điển

Nhiều báo cũng đã đưa tin và khẳng định, sen là cây trồng chủ lực vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa tạo điểm du lịch hấp dẫn cho tỉnh Đồng Tháp. Chính trên ruộng sen của ông Lê Văn Bo (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), đã áp dụng thành công dùng giải pháp hữu cơ và vi sinh để thực hiện thành công phòng và trị bệnh thối ngó – cháy lá cây sen.

Câu chuyện là, vào năm 2011 ông Lê Văn Bo và một số bà con nông dân trong vùng thành lập tổ hợp tác trồng sen với quy mô 30 ha. Thế nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, ruộng sen của gia đình ông bắt đầu xuất hiện hiện tượng thối ngó, cháy lá, thân và ngó sen bị thối đen và bệnh lây lan rất nhanh, trong vòng 1 tháng đã thiệt hại hơn 80% diện tích.

“Bình thường mỗi vụ thu hoạch sen tôi có lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng, nhưng vụ đầu tiên của năm 2023 này lợi nhuận chỉ còn khoảng 100 triệu đồng, lỗ rất nặng”, ông Lê Văn Bo đã nói với các phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam như thế.

Sau nhiều lần thua lỗ, ông Lê Văn Bo có ý định chuyển đổi đất trồng sen sang trồng lúa. Nắm được tình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã vận động, hỗ trợ và hướng dẫn ông Lê Văn Bo tìm hướng khắc phục bệnh thối ngó, cháy lá cây sen để tiếp tục duy trì sản xuất.

Thực tế, nhiều phương pháp phục hồi được ông Lê Văn Bo sử dụng xuyên suốt gần 6 tháng như rải vôi, phun thuốc phòng trị hay sử dụng nhiều loại phân vi sinh khác nhau để đưa xuống ruộng sen, nhưng đều không mang lại kết quả.

Trong khi đó, tình hình trên toàn tỉnh Đồng Tháp bệnh cũng lây lan nhiều nơi, diện tích trồng sen sụt giảm nghiêm trọng do vướng phải bệnh thối ngó, cháy lá. Diện tích sen của tỉnh từ gần 2.000 ha vào năm 2021, đến nay chỉ còn khoảng 1.200 ha, năng suất trung bình chỉ đạt 3 tấn gương sen/ha, bà con nông dân liên tục bị thua lỗ nặng.

Để tìm hướng giúp bà con nông dân khôi phục diện tích sen, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã mời đoàn chuyên gia của Nhật Bản sang đánh giá điều kiện thực tế tại các ruộng sen để tìm nguyên nhân và xây dựng phương pháp phòng trị bệnh thối ngó, cháy lá.

Bước đầu, các chuyên gia nhận định bệnh trên cây sen sinh ra từ đất, trong điều kiện yếm khí, khiến bệnh ngày càng nặng. Giáo sư Nguyễn Thơ nhận định, hiện nay một số vùng đất trồng sen ở Đồng Tháp đang bị thoái hóa, kém đa dạng sinh học, từ đó khiến vi sinh có hại bắt đầu “trồi lên” gây bệnh cho cây sen, chủ yếu là bệnh thối ngó, cháy lá.

Đi sâu phân tích về đặc điểm gây bệnh thối ngó, Giáo sư Nguyễn Thơ chỉ ra dòng nấm gây bệnh là Phytophthora. Đặc điểm của loại nấm này có du động bào tử (bào tử có thể chuyển động), chủ yếu chuyển động trong nước. Chính sự du động bào tử của nấm Phytophthora có môi trường để khuyếch tán, vì thế lây lan rất nhanh, khiến sen nhiễm bệnh nặng và đồng loạt.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Thơ cũng phân tích thêm một nguyên nhân khiến hoa và hạt sen không mẩy, năng suất giảm sút đến từ tuyến trùng. “Trong đất trồng sen thỉnh thoảng có tuyến trùng bướu rễ. Tuyến trùng này lấy dinh dưỡng của cây trồng theo con đường châm kim. Vì thế nếu quan sát sẽ thấy ở gốc sen có nhiều tuyến trùng sẽ có hàng trăm vết châm kim. Đây là những vị trí nấm rất dễ xâm nhập, làm cho cây sen yếu và nhiễm bệnh nặng”, Giáo sư Nguyễn Thơ phân tích.

Thời gian qua, để phòng trị bệnh thối ngó, cháy lá cho cây sen, bà con nông dân tỉnh Đồng Tháp thường sử dụng đến phương pháp bón vôi, phun thuốc hóa học phòng trị. Cách làm này theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Thơ là không phát huy hiệu quả cao, ngược lại càng khiến cây sen bệnh nặng, chết nhiều hơn.

Về phía Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp thì cho biết, sen là ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tốc độ lây lan nhanh của bệnh thối ngó, cháy lá đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất. Thêm nữa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường đất và nước ngày càng thuận lợi cho các nhóm nấm bệnh phát triển, gây hại nhanh trên cây sen.

Do đó, về lâu dài Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đồng ý với quan điểm, để cải thiện môi trường đất, cần phải tìm ra được loại vi sinh để khắp phục tình trạng này. Từ thực tế đã diễn ra, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp định hướng tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân từ khâu trồng, xử lý giống ngay đầu vụ, đến hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng sen, nâng cao chất lượng và năng suất trồng sen lên 4 tấn gương sen/ha.

Giải pháp hữu cơ – vi sinh phát huy hiệu quả

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã đặt vấn đề với nhóm chuyên gia Nhật Bản và Giáo sư Nguyễn Thơ để tìm ra một chủng vi sinh có lợi cho cây sen thay cho phương pháp phòng trị hóa học như cách làm truyền thống của nông dân.

Giáo sư Nguyễn Thơ đã thực hiện tư vấn cho Công ty Cổ phần Hữu cơ sinh học Phương Đông phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp và bà con nông dân trồng sen tiến hành thử nghiệm chế phẩm vi sinh phân giải xenlulo “Bio Lacto EM”.

Ghi nhận tại ruộng sen của ông Lê Văn Bo đang thí điểm mô hình cho thấy, sau 2 – 3 lần sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM, hiện tượng sen bị bệnh nặng đến nay đã có dấu hiệu phục hồi. Anh Bo cũng nhận thấy môi trường ở ruộng sen được cải tạo, cây sen khỏe mạnh hơn.

Thời gian tới, ông Lê Văn Bo sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng quy trình khuyến cáo của chuyên gia để đánh giá năng suất, kiểm tra độ mẩy của hạt sen.

Giáo sư Nguyễn Thơ giải thích, trong các ruộng trồng sen có rất nhiều xác bã hữu cơ, khiến ruộng bị thối, cây bị ngộ độc. Chính vì thế khi dùng chế phẩm Bio Lacto EM, là dòng vi sinh đa tác dụng, có khả năng phân hủy xác bã hữu cơ, vừa chống mùi hôi thối, biến hữu cơ thành chất dinh dưỡng cho cây sen, cải tạo và bảo vệ hệ sinh thái cho đất. Do đó, chế phẩm vi sinh này giải quyết được những nhu cầu thực tế, cần thiết cho bà con nông dân, ngoài ra còn giúp cây sen kháng được mặn và phèn.

Được biết, trước khi thử nghiệm khả năng phòng trị bệnh thối ngó trên cây sen, Giáo sư Nguyễn Thơ cùng Công ty Cổ phần Hữu cơ Sinh học Phương Đông đã tiến hành thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng khác như lúa, cây ăn trái, rau màu… Kết quả đánh giá dòng vi sinh này phù hợp trong công tác quản lý dịch hại.

Đặc biệt với cây lúa, Giáo sư Nguyễn Thơ đánh giá chế phẩm Bio Lacto EM có thể kháng được bệnh đạo ôn đối với những giống nhiễm như OM18, các giống lúa ST. Yếu tố đa tác dụng này sẽ giúp bà con nông dân giải quyết được nỗi lo bệnh trên cây trồng, tăng khả năng chống chịu các bệnh hại từ đất.

Còn theo quy trình phòng trị bệnh cho cây sen được chuyên gia khuyến cáo, bà con nông dân cần rút cạn nước trong ruộng sen trước khi phun chế phẩm Bio Lacto EM. Cách làm này tạo điều kiện để vi sinh ngấm sâu trong đất, xử lý triệt để nguồn phát sinh bệnh.

“Một số trường hợp ruộng không thể rút cạn nước, bà con nông dân nên giữ mực nước thấp. Bởi vi sinh trong chế phẩm Bio Lacto EM có khả năng vừa hoạt động trong điều kiện háo khí trên mặt nước, đồng thời còn phát triển được trong điều kiện hiếm khí trong nước, nhưng chắc chắn rút cạn nước tốt hơn”, Giáo sư Nguyễn Thơ lưu ý.

Ngoài ra, việc bón phân hữu cơ cho cây sen cũng là yếu tố cần được quan tâm. Phân hữu cơ, phân gà… cần được ủ với chế phẩm Bio Lacto EM. Quá trình ủ này sẽ giúp nâng nhiệt độ trong phân hữu cơ lên khoảng 70 độ C. Như vậy, những vi sinh có hại trong xác bã động thực vật như Ecoli, Salmonella… sẽ bị tiêu diệt, phân hữu cơ trở nên sạch, an toàn cho cây sen.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Nguyễn Thơ cho biết, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trị bệnh thối ngó, cháy lá trên cây sen chỉ có tác dụng tạm thời, nhưng mặt trái sẽ phá hoại môi trường đất. Do đó, việc đưa chế phẩm Bio Lacto EM vào trong đất và cây trồng là quá trình làm phong phú, đa dạng sinh học trong đất, bảo vệ cây trồng, dần dần cải tạo được đất trồng sen.

Từ những thành công trên, có thể thấy toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 40 sản phẩm OCOP khai thác giá trị từ cây sen, tận dụng lá, hoa, gương sen. Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện một số dự án để khai thác tơ sen giúp người dân tăng thu nhập.

Đồng thời, tổ chức các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thực hiện bao tiêu, hình thành vùng nguyên liệu. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp nông nghiệp hữu cơ và vi sinh để chăm sóc vùng nguyên liệu sen là rất cần thiết, thúc đẩy ngành hàng sen phát triển bền vững