Rừng, Quyền carbon rừng và Tín chỉ carbon

Mặc dù rừng tạo ra kết quả giảm phát thải bằng quá trình hấp thụ và lưu giữ carbon, nhưng rất khó để đưa tác động hữu ích của rừng vào thị trường mua bán phát thải khí nhà kính thông qua đơn vị hàng hóa đặt biệt – “tín chỉ carbon”.

Rừng và biến đổi khí hậu

Các nỗ lực quốc tế và quốc gia hiện nay hướng đến giảm phát thải khí nhà kính đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với kỳ vọng nhiệt độ Trái đất toàn cầu được duy trì ở mức không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Rừng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này do có chức năng cô lập và lưu giữ khí CO2, một trong những loại khí nhà kính chủ yếu gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. CO2là thành phần không thể thiếu của quá trình quang hợp, từ đó chuyển hóa thành sinh khối của cây. Không những thế, carbon còn được cô lập trong đất rừng, gỗ chết và vật rụng. Rừng trở thành bể chứa carbon trong một chu trình tự nhiên. Nhưng rừng cũng là nguồn phát thải carbon từ chu trình tự nhiên của mình là quá trình hô hấp của cây và quá trình phân hủy vật rụng, hoặc từ các tác động khác như cháy rừng, khai thác rừng, hay chuyển đổi đất rừng sang các mục đích khác.

Nếu như lượng carbon rừng hấp thụ nhiều hơn lượng carbon rừng thải ra, rừng đóng góp vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính. Ngược lại, nếu lượng carbon thải ra nhiều hơn, rừng lại làm tăng phát thải ra môi trường và thúc đẩy hơn nữa tốc độ biến đổi khí hậu.

Việt Nam có trữ lượng rừng tương đối lớn. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng giai đoạn từ 2015 đến 2020, diện tích rừng và độ che phủ rừng của Việt Nam tăng đều theo các năm. Năm 2015 diện tích rừng là 13.796.506 ha, với độ che phủ rừng là 40,43%, đến năm 2020 diện tích rừng là 14.677.215 ha, độ che phủ rừng là 42,01%. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc tính đến 31/12/2023, Việt Nam hiện có trên 14,8 triệu ha rừng, với độ che phủ là 42,02%. Trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm trên 10,1 triệu ha và rừng trồng chiếm trên 4,7 triệu ha. Với hiện trạng như vậy, rừng của Việt Nam có tiềm năng hấp thụ và lưu giữ carbon lớn, đủ để đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính.

Điều kiện thương mại hóa kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng

Mặc dù rừng có tác động giảm phát thải bằng quá trình hấp thụ và lưu giữ carbon, nhưng rất khó để rừng tham gia vào thị trường mua bán phát thải. Trong thị trường mua bán phát thải, nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính. Nếu cơ sở nào phát thải quá định mức phân bổ cho một thời kỳ, họ được phép mua thêm hạn ngạch phát thải để bù trừ cho sự chênh lệch đó (điểm d khoản 3 Điều 19 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP).

Kết quả giảm phát thải của rừng, với 1 lượng CO2hấp thụ được, có thể quy đổi ra tín chỉ carbon để trở thành hàng hóa. 1 tín chỉ carbon tượng trưng cho 1 tấn CO2mà người sở hữu chúng có quyền phát thải. Pháp luật ở một số quốc gia cho phép các cơ sở có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính có thể mua tín chỉ carbon, thay vì hạn ngạch phát thải, để bù trừ, nhưng số lượng này có thể bị hạn chế. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon chỉ cho phép sử dụng số lượng tín chỉ carbon để bù trừ không vượt quá 10% tổng số hạn ngạch phát thải được phân bổ cho cơ sở trong một thời kỳ (điểm d khoản 3 Điều 19). Đối với những người mua không bị nhà nước áp đặt định mức phát thải, họ có thể trả tiền cho lượng phát thải của mình bằng cách mua các tín chỉ carbon để bù trừ, hoặc để tính điểm cho tiêu chí môi trường về phát thải carbon trong thực hành bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG).

Nhưng không phải rừng hấp thụ và lưu giữ được bao nhiêu carbon thì có thể quy đổi ra hết tín chỉ carbon. Cái có thể quy đổi được là kết quả giảm phát thải, nghĩa là chúng ta phải can thiệp để tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, hay nói cách khác, thực hiện dự án carbon rừng. Dự án carbon xây dựng các hoạt động can thiệp với kỳ vọng tạo ra các kết quả giảm phát thải và từ đó, đóng góp vào mục tiêu chung là giảm hiệu ứng khí nhà kính và giảm biến đổi khí hậu. Các hoạt động của dự án carbon rừng có thể kể đến là giảm mất rừng và suy thoái rừng, trồng rừng hoặc tái trồng rừng, và quản lý rừng bền vững. Thực trạng rừng trước đây tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là đốt rừng để làm rẫy trồng sắn, khai thác gỗ để làm nhà và bán ra bên ngoài. Dự án Plan Vivo tại đây đã xây dựng hoạt động can thiệp chống mất rừng là tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên trong khu vực dự án do người dân thực hiện. Dự án cũng tổ chức hoạt động nông lâm kết hợp như trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đối với Dự án carbon rừng tại sáu tỉnh Bắc Trung Bộ, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng được chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND các xã tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng và hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Qua kết quả các hoạt động dự án, khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng gia tăng so với đường cơ sở được thiết lập bởi kịch bản phát triển thông thường (BAU) khi không có dự án. Trữ lượng carbon tăng thêm là nguồn để quy đổi ra tín chỉ carbon cho các giao dịch trên thị trường carbon nói chung.

Để trở thành dự án carbon rừng, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon sẽ là nguồn tài chính chủ yếu cho các hoạt động dự án, hay nói cách khác, dự án sẽ không có tính khả thi về mặt kinh tế hoặc tài chính nếu như không thương mại hóa kết quả lưu giữ và hấp thụ carbon. Đây là một trong những yêu cầu về tính bổ sung (additionality) cho dự án carbon.

Tuy nhiên, không phải cho đến khi có dự án carbon xuất hiện thì mới có thương mại hóa kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh là một loại dịch vụ môi trường rừng đã được quy định từ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/ 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, và sau này trong Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo đó, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập, Ủy ban Nhân dân cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng là những đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng (khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017 theo thứ tự). Mặc dù đã được thương mại hóa bằng cách đưa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon là một loại dịch vụ môi trường rừng, trên thực tế chưa có một khoản tiền nào được chi trả cho loại dịch vụ này. Sự ra đời của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và các cam kết quốc tế trước đó liên quan đến biến đổi khí hậu đã hiện thực hóa phần nào khả năng giao dịch của kết quả giảm phát thải từ dịch vụ lưu giữ và hấp thụ carbon rừng. Một cách vắn tắt, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã thừa nhận tín chỉ carbon tạo ra từ dự án carbon có thể giao dịch trên thị trường carbon và chủ rừng có quyền tham gia vào các dự án carbon (Khoản 2 Điều 8, khoản 2 Điều 16).

Các nguy cơ dẫn đến giảm số lượng tín chỉ carbon rừng

Trong cam kết quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution – NDC), một kế hoạch hành động để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ của Hiệp định Paris, Việt Nam đã đề ra các mục tiêu hấp thụ khí nhà kính từ sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp. Hoạt động lâm nghiệp vì thế phải có nghĩa vụ đóng góp vào NDC quốc gia kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Số lượng tín chỉ carbon rừng tạo ra từ dự án nhiều hay ít phụ thuộc vào khu vực dự án có thuộc đối tượng phải đóng góp kết quả giảm phát thải hay không.

Hiện tượng rò rỉ carbon cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả giảm phát thải của dự án carbon rừng. Rò rỉ carbon là việc gia tăng phát thải khí nhà kính ở vùng bên ngoài khu vực dự án do hậu quả của hoạt động dự án gây ra.Ví dụ như sự gia tăng đốt nương làm rẫy có thể xảy ra ở vùng lân cận dự án do dự án đã khoanh vùng khu vực bảo vệ của mình để tránh rò rỉ carbon. Thông thường, dự án carbon phải thiết lập một vành đai rò rỉ để giám sát hiện tượng này. Nếu như có phát thải gia tăng so với đường cơ sở theo một tỉ lệ cụ thể trong tiêu chuẩn carbon mà dự án áp dụng, rò rỉ được thiết lập và lượng phát thải này sẽ bị trừ vào kết quả giảm phát thải của dự án.

Tính bền vững của dự án có thể ảnh hưởng tới số lượng tín chỉ carbon tạo ra. Rừng chỉ lưu giữ carbon tạm thời, có nghĩa là khi rừng còn tồn tại thì nó vẫn còn là bể chứa carbon. Khi rừng bị mất đi do các nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, sâu bệnh,… hay các nguyên nhân do con người gây ra như chuyển mục đích sử dụng đất, khai thác gỗ,… thì các hiện tượng hoặc hoạt động đó sẽ giải phóng carbon quay trở lại khí quyển. Các dự án phải chỉ ra được các rủi ro này và dự liệu các phương án hạn chế rủi ro. Trong quá trình thực hiện dự án, khi dự án trở nên không bền vững, số lượng tín chỉ carbon có thể bị trừ đi tương tự như trường hợp rò rỉ carbon.

Bìa rừng Ca Tong tại huyện Krong Bong, tỉnh Daklak

Cách bảo đảm cho tín chỉ carbon rừng

Nhà nước cần công nhận quyền đối với kết quả giảm phát thải khí nhà kính phát sinh từ dự án carbon để có người bán trên thị trường carbon. Nói cách khác, người mua cần mua tín chỉ carbon từ người có quyền sở hữu tín chỉ carbon. Quyền đối với kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ dự án carbon rừng có thể gọi tắt là quyền carbon rừng, từ đó dẫn đến quyền sở hữu tín chỉ carbon phát sinh từ đó. Quyền carbon rừng gắn liền với rừng và đất đai, hay cụ thể hơn, gắn liền với khu đất thuộc khu vực dự án nơi mà kết quả giảm phát thải khí nhà kính được tạo ra từ các hoạt động can thiệp. Quyền carbon rừng cũng có thể được công nhận cho những ai nhận quyền này thông qua hợp đồng, ví dụ như nhà phát triển dự án mà không phải là chủ rừng.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa quyền carbon rừng. Như đã thảo luận ở trên, trong các đối tượng được nhận chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, chủ rừng là người có quyền gắn với rừng do được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng.

Tín chỉ carbon biểu thị cho quyền phát thải một tấn khí CO2hoặc một tấn khí tương đương và có thể giao dịch thương mại (khoản 35 Điều Luật Bảo vệ môi trường năm 2020), cho nên phải có cơ sở để xác tín kết quả giảm phát thải từ một dự án carbon rừng. Kết quả giảm phát thải được thể hiện ở báo cáo, trong đó có mô tả phương pháp để tính toán số lượng carbon hấp thụ, lượng rò rỉ và lượng bị giải phóng trở lại môi trường nếu có. Khi phương pháp ấy được công nhận thì kết quả giảm phát thải trong báo cáo mới có tính trung thực, khách quan và tương đối chính xác, do đó sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Các tiêu chuẩn carbon ra đời và tồn tại vì nhu cầu này, không chỉ cung cấp phương pháp luận mà còn đặt ra các tiêu chí khác như đánh giá tác động của dự án đến các bên liên quan từ góc nhìn cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư trong và lân cận phạm vi dự án, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững cho cán bộ địa phương hay thay đổi hành vi của các công ty có ảnh hưởng đến dự án. Các tiêu chuẩn cho carbon rừng phổ biến do một số tổ chức phi chính phủ quản lý như Chương trình Verified Carbon Standard (VCS) của VERRA, hay Tree 2.0 của ART, PV Climate của Plan Vivo… Dự án được xây dựng trên các tiêu chuẩn có uy tín và được thẩm định bởi bên thứ ba thì người mua tín chỉ carbon được đảm bảo nhiều hơn, nhất là những người mua trên thị trường carbon tự nguyện và không có điều kiện đặt ra và thẩm tra mức độ đáp ứng các yêu cầu hoặc phương pháp luận cho dự án carbon mà mình tài trợ.

Quyền carbon rừng và tín chỉ carbon đều là những tài sản vô hình nên cần có các cơ chế đăng ký để tránh chồng lấn. Một dự án carbon rừng khi được khởi xướng và thực hiện cần phải được đăng ký ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh đo đếm và công nhận kết quả hai lần trên một khu vực dự án trong cùng thời kỳ. Hiện tại ở Việt Nam, các dự án carbon, trong đó có dự án carbon rừng, nếu thuộc khuôn khổ của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các dự án ngoài khuôn khổ trên khi triển khai thực hiện phải đăng ký và báo cáo định kỳ hằng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (khoản 3 và khoản 5 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP). Tương tự như vậy, khi một dự án theo đuổi tiêu chuẩn carbon nào, nó cũng phải được đăng ký với tổ chức quản lý tiêu chuẩn carbon đó để xác lập quyền carbon và tránh đo đếm và công nhận kết quả hai lần.

Thách thức cho dự án carbon rừng

Nội dung trao đổi ở trên đã chỉ ra một số một số thách thức cho dự án carbon rừng hiện tại ở Việt Nam.

Hiện tại, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP không đặt ra các rào cản cho việc khởi xướng và thực hiện dự án carbon rừng, nhưng khung pháp lý chưa hoàn chỉnh. Có định nghĩa pháp lý và cách thức tạo lập quyền carbon rừng sẽ là một đảm bảo có tính tiên quyết để thu hút nguồn lực tài chính cho dự án carbon rừng. Quản lý nhà nước về dự án carbon rừng cũng cần phải được điều chỉnh càng sớm càng tốt, trong đó có quy định rõ ràng về vai trò của hệ thống đăng ký dự án carbon rừng để tránh đo đếm và công nhận hai lần đối với kết quả giảm phát thải trên cùng diện tích trong cùng thời kỳ. Đây chính là cơ sở để các cơ quan nhà nước ở địa phương có thể hỗ trợ và quản lý các dự án carbon tại địa phương.

Những nội dung cơ bản cam kết của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng phải được nhanh chóng xác định để giải quyết vấn đề liệu khu vực dự án có phải là đối tượng thực hiện nghĩa vụ quốc gia hay không, từ đó mới xác định được số lượng tín chỉ carbon tạo ra từ các dự án đã được thẩm định cho mục đích giao dịch thương mại.

Dự án carbon rừng ngoài các hoạt động lâm nghiệp là chính, còn có những hoạt động hỗ trợ khác như đồng quản trị, phát triển sinh kế và cộng đồng. Ngoài ra, để có tín chỉ carbon giao dịch được, kết quả hấp thụ khí nhà kính còn phải được đo đạc, lập báo cáo và thẩm định. Do vậy, dự án carbon rừng cần nguồn lực tài chính lớn để triển khai tất cả các hoạt động. Trong khi đó, thị trường carbon rừng có nhiều biến động về giá cả. Khi khu vực dự án có quy mô nhỏ thì nguồn thu từ bán tín chỉ carbon khó có khả năng bù đắp được các chi phí cho các hoạt động.

Kiểu rừng hỗn giao gỗ và tre nứa tại huyện Krong Bong, tỉnh Daklak

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là một mô hình điển hình cho thấy nguồn lực tài chính huy động được từ chuyển nhượng kết quả giảm phát thải có thể giải quyết được hàng loạt các vấn đề đặt ra. Đó là tạo nguồn thu cho các hoạt động trồng rừng, tái tạo rừng, bảo tồn rừng; hỗ trợ cho việc tạo ra kết quả hấp thu khí nhà kính đáp ứng các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải; cung cấp nguồn lực để thực hiện việc đo đạc và báo cáo kết quả, vốn là công việc còn mới mẻ và yêu cầu chuyên môn cao.

Nhiều thành quả của ngành lâm nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra của các nhà khoa học và người dân là liệu diện tích rừng và độ che phủ của rừng tăng lên nhưng chất lượng của rừng có tương xứng với tiềm năng vốn có của rừng hay không. Thương mại hóa kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, biến chúng thành tín chỉ carbon để giao dịch trên các thị trường carbon hứa hẹn tạo ra nguồn lực tài chính lớn cho các hoạt động lâm nghiệp, nâng cao chất lượng rừng hướng tới đa dạng sinh học, cải thiện nhiều hơn nữa sinh kế và đời sống của người dân sống dưới tán rừng và phụ thuộc vào rừng, từ đó làm trong lành bầu khí quyển và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hành tinh và con người.

Theo Trang TTĐTTH

Dark mode