Sáng ngày 13/4 tại Hội trường Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia – Hà Nội, Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Tọa đàm “Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới” dành cho học sinh, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, điện và điện tử, vi mạch, bán dẫn, hoặc người muốn chuyển đổi ngành nghề, phát triển công việc trong lĩnh vực đang khát nguồn nhân lực này.
Những diễn giả chính tại buổi tọa đàm thiết kế chip bán dẫn
Diễn giả chính của buổi tọa đàm gồm có: ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT; ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám Đốc tại công ty CoAsia SEMI Vietnam; ông Lê Thành Nam – Giám đốc Cty VIETA Solutions Việt Nam (thuộc ETA Semiconductor); ông Lê Hải Anh – Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center.
Chương trình tọa đàm bao gồm các hoạt động như:
- Tham quan Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn
- Giao lưu cùng các Doanh nghiệp Sản xuất & Thiết kế vi mạch
- Tọa đàm Định hướng phát triển Chip bán dẫn tại Việt Nam
- Lễ trao học bổng Người Tiên phong – FPT Jetking
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam là nơi đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế so sánh. Những năm qua, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đã có mặt và đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam như Intel, Renesas, Marvell, Applied Micro, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor, …
Từ thực tế đó, cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao về tay nghề chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn không chỉ là thực trạng riêng có của Việt Nam mà còn là của các nước trong khu vực.
Diễn giả Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Trong buổi giao lưu, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, khẳng định sau chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tháng 9/2023, đã nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Việt Nam hiện đang có cơ hội rất lớn trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip. Chính điều này đã và đang mang lại nhiều tiềm năng để Việt Nam hợp tác với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông nói: “Tôi tin rằng với những cơ hội mới này, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới trẻ hiện nay. Họ sẽ giúp ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trở thành mũi nhọn trong tương lai, đồng thời giúp đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.
Ông Võ Xuân Hoài hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học và phát triển công nghệ.
Diễn giả Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT
Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học FPT với kinh nghiệm 30 năm làm việc tại Tập đoàn FPT, từng đảm nhận các vị trí lãnh đạo quan trọng, góp phần đưa FPT trở thành một trong những Tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam đã có những lời khuyên, động viên và truyền cảm hứng đến với học sinh, sinh viên tham dự tọa đàm.
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Việt Nam như là một nơi cần đến, phải đến khi nói đến chip và bán dẫn. Niềm tin này thực sự có thể gọi là đam mê của tuổi trẻ, là khát vọng của đất nước, của thế hệ. Nhìn thấy quyết tâm của các bạn, tôi tin rằng Việt Nam đang phát triển, đang đổi mới và chúng ta sẽ có vị trí trên bản đồ của thế giới”.
Diễn giả Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám Đốc tại công ty CoAsia SEMI Vietnam
Ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám Đốc tại công ty CoAsia SEMI Vietnam, gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch, thành viên BQT Cộng đồng vi mạch Việt Nam với hơn 24K thành viên, đã tiếp thêm niềm hy vọng và sức mạnh cho người nghe về nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn của doanh nghiệp công nghệ vi mạch, về quy trình thiết kế và sản xuất chip.
Ông còn khẳng định thu nhập của kỹ sư ngành thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam khởi điểm khoảng 10.000USD/năm, có kinh nghiệm chuyên môn có thể lên đến 100.000USD/năm, trong khi đó tại Mỹ thường là từ 100.000 đến 300.000USD/năm.
Diễn giả Harsh Bharwani – CEO Jetking
Bên lề buổi tọa đàm, ông Harsh Bharwani – CEO Jetking chia sẻ về tiềm năng ngành Thiết Kế Vi Mạch Bán Dẫn là với sự thay đổi ngày càng nhanh của công nghệ, ngành thiết kế vi mạch bán dẫn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và cho cả các doanh nghiệp các nước khác.
Ông nhấn mạnh những điểm chính yếu về tiềm năng và triển vọng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn:
- Các công ty về vi mạch hàng đầu thế giới đều có mặt tại Việt Nam như: Intel (Mỹ), Renesas (Nhật), Marvell (Mỹ), Applied Micro (Mỹ).
- Ngành thiết kế vi mạch cần 10000 kỹ sư/năm nhưng hiện tại chỉ mới đáp ứng được 20%.
- Lương của kỹ sư vi mạch rất cao, khởi điểm 15-20 triệu, kinh nghiệm 15-20 năm là 60-70 triệu/tháng.
- Thiết kế vi mạch là một lĩnh vực đầy triển vọng tại Việt Nam từ bây giờ đến 15-20 năm tới.
Ông Võ Xuân Hoài đại diện NIC trao chứng nhận bản quyền phần mềm cho đại diện Hệ thống đào tạo FPT Jetking
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, ông Võ Xuân Hoài đại diện NIC đã trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch Innovus nổi tiếng của Tập đoàn Cadence Design System cho đại diện Hệ thống đào tạo FPT Jetking.
Trước đây, ngày 11/12/2023, tại Khu Công Nghệ Cao Hòa Lạc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế (SUN EDU) tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài 4 tuần về Thiết kế vi mạch dành cho giảng viên các trường Đại học khu vực Hà Nội và kỹ sư tại các công ty công nghệ.
Chương trình của Khóa học được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ chuyên viên hàng đầu của Tập đoàn Cadence – một trong những thương hiệu nổi tiếng thế giới về công cụ tự động hóa thiết kế điện tử – Electronic Design Automation (EDA) và thiết kế vi mạch.
Khóa đào tạo tập trung vào việc hướng dẫn và huấn luyện kỹ thuật Digital Design trên phần mềm thiết kế vi mạch Innovus, tạo cơ hội cho các giảng viên và kỹ sư nắm vững, ứng dụng kiến thức hiện đại vào công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Học sinh, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, điện và điện tử, vi mạch, bán dẫn
Bên cạnh chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn của Học viện Jetking Ấn Độ đã trao cho Hệ thống đào tạo FPT Jetking, phần mềm thiết kế vi mạch Innovus là bước tiến vượt bậc, vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam.
Nguyễn Xanh