Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam – đã dấy lên văn hóa tái chế trong cộng đồng

Chương trình Kỷ niệm 03 năm thành lập Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam với chủ đề “Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam” được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị 272 – Số 272 Võ Thị Sáu, P.7, Q.3, Tp.Hồ Chí Minh.

Ngày hội tái chế của các doanh nghiệp

Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, cho biết chương trình tiếp đón hơn 300 khách mời đến từ các Bộ ban ngành quản lý chuyên môn, Văn phòng EPR Quốc Gia, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Lãnh đạo các Hiệp hội, Liên Hiệp hội, Hội viên Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, cơ quan báo chí truyền thông và các Nhà đầu tư trong, ngoài nước liên quan ngành nghề tái chế.

Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam

Thật sự, sự kiện này trở thành ngày hội của những doanh nghiệp tái chế trong ngành dệt may, nhựa, vỏ lon nhôm, giấy, thu gom và xử lý chất thải nguy hại… Bà Khánh Nhật, CEO Công ty Dệt May Bền Vững (STS) đã đưa bộ sưu tập thời trang quần áo tái chế là Let’s E.A.R.T.H làm từ vải vụn được thu gom, xé tơi xơ bông và kéo sợi để dệt ra những sản phẩm vải dệt kim dành cho thời trang váy, áo T-shirt…

Bà Khánh Nhật (giữa) – CEO Công ty Dệt May Bền Vững (STS); bà Văn Thị Minh Hoa – Chủ tịch CLB Báo chí & Truyền thông Xanh cùng các khách mời tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế

Bên cạnh đó, các sản phẩm được tái chế từ quần áo jean cũ như tạp dề, túi xách… rất đẹp được nhiều người chú ý. Đông đảo khách đến tham quan gian hàng và mua ủng hộ. Chủ tịch Trần Việt Anh cũng đứng xem rất lâu và nâng niu từng sản phẩm của bộ sưu Let’s E.A.R.T.H.

Ông Trần Việt Anh tham quan sản phẩm của bộ sưu Let’s E.A.R.T.H
Ông Trần Việt Anh tham quan sản phẩm của bộ sưu Let’s E.A.R.T.H

Còn tại gian hàng bút Thiên Long, nhiều sản phẩm được giới thiệu với những cây bút được làm từ nhựa sinh học bằng bột trấu. Thiên Long cũng giới thiệu nhiều nhóm sản phẩm với nỗ lực đưa tỷ lệ tái chế vào khá cao.

Gian hàng sản phẩm bút bi được làm từ nhựa sinh học bằng bột trấu của thương hiệu Thiên Long

Bên cạnh đó còn là của nhiều gian hàng của các doanh nghiệp, như Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân đã tái chế khép kín – Bottle to Bottle (từ chai ra chai) đã được bà Phan Thị Tùng Chi – Đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đánh giá cao.

Ba năm – một chặng đường phát triển

Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam – VWRA chính thức được Bộ Nội Vụ cấp phép thành lập vào tháng 3 năm 2021; Hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với tầm nhìn: “Trở thành tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực tái chế chất thải, góp phần xây dựng một xã hội bền vững, nơi mà các nguồn tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả và tối ưu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”.

Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam đã quy tụ các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các doanh nghiệp tái chế chất thải được cấp phép hoạt động đúng quy định và được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn, với đa dạng các ngành nghề như: Tái chế nhựa, giấy, cao su, vải, kim loại, chất thải điện tử, dầu nhớt, pin, ắc quy, chất thải hữu cơ, vỏ hộp sữa…

Gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế từ vỏ lon nước

Đó còn là các lĩnh vực năng lượng xanh; Công nghệ Môi trường, Xử lý chất thải; Vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải sinh hoạt; Thu gom, cung cấp giải pháp tái chế, xử lý chất thải; Ứng dụng công nghệ Quản lý chất thải; Hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ; Sản phẩm xanh, thân thiện Môi trường, sức khỏe; Sản phẩm, dịch vụ ngành công nghệ môi trường; Tổ chức hoạt động vì cộng đồng,… cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho ngành công – nông nghiệp khác.

Chính vì vậy, trong sự kiện này mọi người đã được chứng kiến lễ kết nạp 15 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trao chứng nhận Hội viên mới

Đánh dấu cột mốc 3 năm thành lập, ngoài các hoạt động tổng kết, chương trình kỷ niệm 03 năm thành lập Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam hướng đến thiết lập không gian thúc đẩy giao thương, kết nối, trao đổi kinh nghiệm cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm trở thành cầu nối kiến tạo cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, nhất là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế cũng như chính sách EPR đã đi vào thực hiện.

Trong chuỗi chương trình, đặc biệt có sự xuất hiện của Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc. Trong thời gian qua, Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc cũng có rất nhiều hoạt động tích cực, đồng hành cùng chương trình vì môi trường, là đại sứ của Ngày Trái Đất tại Việt Nam năm 2023 và tham gia các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức hướng đến mục tiêu giảm chất thải, đầu tư cho năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững…

Năm 2023, Hoa hậu Bảo Ngọc cũng là gương mặt đại diện tham dự Hội nghị Thanh niên về Biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 18 của Liên Hợp Quốc (COY18), tại Dubai.

Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc đồng hành tại sự kiện

Hoạt động năm 2023 – 2024: hoạt động và thành tích nổi bật

Đến tháng 8/2024, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam đã có sự tham gia của hơn 100 Hội viên với đa dạng các ngành nghề tái chế, công nghệ môi trường.

Trong năm 2023 – 2024, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam đã tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách, tham luận, chủ trì hơn 50 Hội thảo trong nước và Quốc tế với các chủ đề liên quan đến tái chế, môi trường, một số hội thảo trọng tâm như:

-Với vai trò Ủy viên Hội đồng EPR Quốc gia, giai đoạn 2023 – 2024, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam cũng tham gia trong công tác tham vấn, phản biện chính sách xây dựng chính sách và cơ chế trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất, nhập khẩu và tham gia ý kiến, kiến nghị về lĩnh vực môi trường, tái chế khác

-Hội thảo “Các chính sách và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo VietWater & WETV tháng 10 năm 2023

Hiệp hội vinh danh các đơn vị tham gia và đóng góp tích cực

-Tháng 9/2023, và tháng 3/2024, HHTCCTVN Đồng hành tổ chức triển lãm TEXFUTURE – Triển lãm quốc tế ngành tái chế vải và nguyên vật liệu may mặc bền vững đầu tiên tại Việt Nam

-Đồng hành tổ chức các triển lãm ngành sữa Viet Nam Dairy, triển lãm GLOBAL SOURCES về nội thất, thời trang, đồ dùng,… vật liệu bền vững, triễn lãm Automechanika trong ngành công nghiệp ô tô,…; Diễn đàn Kinh tế TPHCM; Ngày hội Sống Xanh TP.HCM

Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam cũng thúc đẩy hoạt động vì cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường, là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường.

Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam thực hiện ký kết hợp tác cùng Công ty TNHH Quốc tế CHAN CHAO
Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam thực hiện ký kết hợp tác cùng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Đặc biệt, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam khởi động chương trình Văn hóa Tái chế học đường năm học 2023 – 2024 với sự đồng hành của Unilever Việt Nam, Hội viên của Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam và nhiều tổ chức, đã thực hiện rất sôi nổi tại 10 điểm trường thuộc quận 7, quận 8 – TP.HCM, thu hút hơn 10.000 học sinh tham gia, với hơn 1.000 sản phẩm dự thi sáng tạo, Hiệp hội đã trao hơn 3.000 phần quà, và thu về tại sự kiện hơn 2 tấn chất thải tái chế.

Cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại trong ngành tái chế, xử lý chất thải tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam lồng ghép các chuyên đề tham luận với sự tham gia của những khách mời, diễn giả là đại diện cơ quan, tổ chức cùng chia sẻ, trao đổi những chính sách, kinh nghiệm liên quan thúc đẩy chính sách môi trường, cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại trong ngành tái chế, xử lý chất thải tại Việt Nam, đóng góp cho chuyển đổi xanh, phát triển nền công nghiệp tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Tọa đàm với sự tham gia của:

  • Đại diện Văn phòng EPR Quốc Gia chia sẻ về chủ đề: “Vai trò của nhà tái chế trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu”
  • Đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam “Giới thiệu về chương trình cho vay vốn lãi suất ưu đãi của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam”
  • Bà Phan Thị Tùng Chi – Đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ): “Việt Nam có thể trở thành “recycling hub” trong dịch chuyển dệt may tuần hoàn?”…

Một số hình ảnh khác tại sự kiện:

NGỌC NGUYỄN

Dark mode