Từ ngày 21 đến 23/10 tại TP HCM sẽ diễn ra Diễn đàn “Kiến tạo tương lai xanh” và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đồng tổ chức theo thông tin cuộc họp báo ngày 23/9 tại Hà Nội.
EuroCham tổ chức họp báo giới thiệu về Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024
EVFTA – nền tảng pháp lý cho hợp tác thương mại và đầu tư tại Việt Nam
Sau bốn năm ký kết và thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trao đổi thương mại song phương tăng 40%. Sáu tháng đầu năm 2024, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 15% và nhập khẩu từ EU tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến tháng 8/2024, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Về đầu tư, EU đứng thứ sáu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.450 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro.
Trong bối cảnh FDI toàn cầu có khuynh hướng suy trầm, các doanh nghiệp EU vẫn giữ vững niềm tin vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 800 triệu euro vốn đầu tư của các doanh nghiệp EU.
Ông Julian Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: EuroCham Việt Nam
Theo lời ông Julian Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động thương mại song phương luôn tăng trưởng, các dự án đầu tư của doanh nghiệp châu Âu đã tạo ra nhiều việc làm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hậu quả của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Đại sứ EU tại Việt Nam khẳng định “Các nước châu Âu đang đi đầu trong công cuộc chuyển đổi xã hội, không chỉ ở khu vực công, mà cả các doanh nghiệp tư nhân đều hướng tới chuyển đổi xanh. Các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính, phát triển bền vững đã được tích cực triển khai nhằm đạt mục tiêu Net Zero tại châu Âu đại lục vào năm 2030.
Tuy nhiên, đây là vấn đề toàn cầu nên EU xác định đồng hành cùng các đối tác thương mại, kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là Việt Nam, trong công cuộc chuyển đổi này để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”
Doanh nghiệp Việt tích cực chuẩn bị hành động cho chuyển đổi xanh
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại xác định, “Công cuộc chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ thực hiện ở ba khía cạnh. Đó là nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực và hoàn thiện thể chế chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cũng như giám sát việc thực hiện quy chế chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.”
EU là khu vực đầu tiên trên thế giới đặt ra vấn đề chuyển đổi xanh, theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu (LIFE) giai đoạn 2021 – 2027 được EU thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, EU đã có những tài trợ về tài chính, chuyên gia và hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp để thực thi những quy định mới về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Tổng ngân sách được phân bổ cho Chương trình LIFE là 5,4 tỷ euro, trong đó 3,5 tỷ euro dành cho các hoạt động liên quan đến môi trường và 1,9 tỷ euro cho hành động chống biến đổi khí hậu.
Ông Phú cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, có nhiều dự án, chương trình của EU đã được triển khai để hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong về chuyển đổi xanh, thực hiện cam kết chuyển đổi xanh.
Theo nội dung cam kết, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó có Thỏa thuận xanh được đưa ra từ năm 2017, quy định về trách nhiệm xã hội của Đức đối với những doanh nghiệp có từ 3.000 lao động trở lên, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM…
Những tiêu chuẩn khắc khe này là thách thức, có thể trở thành rào cản, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hiện nay tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98-99% trong tổng số các doanh nghiệp, đóng góp khoảng 40-60% GDP của cả nước và giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Sau bốn năm tham gia EVFTA, ông Vũ Bá Phú nhận định: “Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành lên rất nhiều thể hiện ở việc không ngừng nỗ lực và chủ động thực hiện chuyển đổi, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khắt khe như EU. Các doanh nghiệp điển hình như Sao Thái Dương ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, hoa quả như PAM, Betrimex…”
Trả lời cho Mekong ASEAN về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị xanh, Đại sứ Julian Guerrier cho rằng: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xác định rõ ràng mục tiêu chuyển đổi xanh và cần liên minh lại để hợp tác với các doanh nghiệp lớn của EU, từ đó mới có cơ hội tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp mình.”
Bên cạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể liên kết hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu để được nhận hỗ trợ từ Chính phủ. EU cũng có những chính sách hỗ trợ riêng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đại sứ Julian Guerrier khẳng định: “EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và phát triển một cách bền vững. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để đạt được tương lai đó. Đây là con đường không hề dễ dàng nhưng EU cam kết hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Việt Nam để có một tương lai xanh hơn.”
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 – GEFE 2024 tại TP HCM
Ông Bruno Jaspeart, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam lưu ý rằng, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại trên diện rộng ở 26 tỉnh thành, không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần với con số thương vong cao, nhắc nhở chúng ta rằng biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời mà là một cuộc khủng hoảng cấp bách đòi hỏi hành động chung tay tức thời.
GEFE 2024 sẽ là nền tảng quan trọng và là cơ hội để thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với những thực tế cấp bách của biến đổi khí hậu. Đồng thời, cũng là điểm hẹn để các công ty châu Âu giới thiệu các giải pháp tiên tiến nhất của họ, giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Ông Bruno Jaspeart, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C
Lễ khai mạc GEFE 2024 vào ngày 21/10 sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo cấp cao từ khu vực công và tư nhân. Với chủ đề “Kiến tạo Tương lai Xanh”, GEFE 2024 sẽ diễn ra gần ba mươi phiên hội thảo xoay quanh mười chuyên đề xanh, tập trung thúc đẩy các giải pháp thực tiễn như: khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, số hóa nền tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Nội dung trọng tâm của các cuộc hội thảo cũng nhằm thúc đẩy Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, tài chính xanh cho biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, hệ thống canh tác tái tạo, mô hình kết cấu hạ tầng xanh, quản lý nước… Đây là những yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Tại họp báo, ông Alain Cany, Đồng Chủ tịch Ban tổ chức GEFE 2024 và Chủ tịch Ban cố vấn EuroCham nhấn mạnh: “Những sự kiện này không chỉ thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng mà còn thiết lập tinh thần hợp tác cần thiết để đối phó với khủng hoảng khí hậu. Với di sản đó, GEFE 2024 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều góc nhìn và giải pháp hành động hơn nữa”.
Đồng thời với Diễn đàn “Kiến tạo tương lai xanh”, triển lãm GEFE 2024 được tổ chức với 13 gian trưng bày sẽ giới thiệu các công nghệ và giải pháp xanh tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và công nghệ thông minh về khí hậu của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Bên cạnh, cũng có khu vực triển lãm dành cho các công ty khởi nghiệp trưng bày những công nghệ, giải pháp sáng tạo mới.
Ông Alain Cany, Đồng Chủ tịch Ban tổ chức GEFE 2024 và Chủ tịch Ban cố vấn EuroCham
Với hơn 8.000 khách được mời tham dự từ nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, ngoài các cuộc đối thoại B2B, B2G, Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh là cơ hội tăng cường mối quan hệ chiến lược và hợp tác mới giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.