Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia chính thức ra mắt và tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025–2030. Đại hội vinh dự đón tiếp ông Tô Lâm – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ và đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp.
Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-BNV ngày 10/1/2025 của Bộ Nội vụ, nhằm mục đích kết nối các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dữ liệu; hướng tới xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế quốc dân.
Đại hội lần đầu tiên này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước đầu kiện toàn tổ chức, định hướng hoạt động trong 5 năm tới, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Hiệp hội trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại sự kiện trọng đại này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định rõ “dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số, là động lực quan trọng cho sự phát triển”.
“Đặc biệt cần nhận thức rõ quản trị dữ liệu không chỉ là vấn đề chính sách, mà còn là vấn đề công nghệ. Không có công nghệ không thể thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả”, ông nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại hội. Ảnh: NDA
Tổng Bí thư xác định Hiệp hội là “ngôi nhà chung của các hiệp sĩ số”, giữ vai trò tiên phong thực hiện Nghị quyết 57, đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển dựa trên dữ liệu. Ông cũng đề xuất 7 nhiệm vụ cho Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia:
Một là nghiên cứu đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, tạo điều kiện cho dữ liệu lưu chuyển, kết nối, chia sẻ và được khai thác tối đa, nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền dữ liệu.
Hai là phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu quốc gia, tập trung vào bốn trụ cột chính: con người, vị trí, hoạt động và vật phẩm.
Ba là chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ, tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, và điện toán đám mây.
Bốn là hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến, bao gồm các trung tâm dữ liệu do Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Năm là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực, và tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về dữ liệu.
Sáu là xây dựng cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả. Các cơ quan nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ và đồng bộ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để bảo đảm các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ.
Bảy là bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống, sản phẩm bảo mật dữ liệu, phát triển các dịch vụ bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu, hình thành ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Ban Thường vụ Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030 – Ảnh: VGP/HM
Tại Đại hội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Lương Tam Quang nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu đa dạng và ổn định, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số bền vững trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên số mới.
Trong nhiệm kỳ I, Hiệp hội sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm gồm: phối hợp với các cơ quan chức năng, hiệp hội và tổ chức liên quan nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật quốc gia về dữ liệu; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; kiến nghị, tham vấn cơ quan nhà nước có thẩm quyền các vấn đề liên quan đến sự phát triển của ngành dữ liệu; hỗ trợ các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Các đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia. Ảnh: Minh Sơn
Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia chính thức ra mắt, hứa hẹn sẽ trở thành “ngôi nhà chung”, tập hợp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; thúc đẩy chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực dữ liệu; đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển thị trường và nền kinh tế dữ liệu vì một Việt Nam bền vững và thịnh vượng.
BẢO SAN