Định giá Ngoại ứng – Hậu quả của Bão Yagi: Hướng đi cho Việt Nam tới năng lực phục hồi và bài học về tài chính bền vững trên thế giới

Từ hậu quả của Bão Yagi, đã đến lúc Việt Nam cần đầu tư vào khả năng chống chịu và phục hồi bằng cách định giá đúng các yếu tố ngoại ứng để có thể hướng tới một nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Việt Nam đang ở một ngã rẽ quan trọng, nơi mà các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đe dọa sự ổn định kinh tế của đất nước. Với 3% GDP bị mất hàng năm do các sự kiện liên quan đến khí hậu và những rủi ro nghiêm trọng đối với đất canh tác nông nghiệp từ mực nước biển dâng cao, nhu cầu giải quyết các yếu tố ngoại ứng này đang trở nên cấp bách. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, thách thức càng lớn hơn – lên đến 25% trong số có nguy cơ ngừng hoạt động chỉ sau một thiên tai. Thử thách được đặt ra là: làm thế nào để định giá các ngoại ứng này và chuyển từ chi tiêu phản ứng sang đầu tư chủ động?

Đường đi của các cơn bão đổ bộ vào Biển Đông và Việt Nam trong 70 năm qua. Nguồn: Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ

Chính phủ Việt Nam đã khởi động Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Biến đổi Khí hậu nhằm đưa ra các cam kết cụ thể để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các khoản đầu tư hiện tại vẫn còn hạn chế so với con số 35 tỷ USD cần thiết cho cơ sở hạ tầng bền vững vào năm 2030. Mối quan tâm này càng lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), được xem như là xương sống của nền kinh tế khi sử dụng hơn 50% lực lượng lao động. Nếu không có hạ tầng bền vững, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục gánh chịu những tổn thất nặng nề, khó có thể khắc phục.

Cái giá của việc hành động dè dặt về biến đổi khí hậu

Toàn cầu đang phải gánh chịu thiệt hại lên tới 150 tỷ USD mỗi năm do biến đổi khí hậu, và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Theo nhóm nghiên cứu Datalytics của ESGs & Climate Consulting (Betty Pallard, CVO và Trần Đình Quân, Partnerships Associate), Việt Nam đang chủ động đầu tư vào khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và có thể đạt điểm hòa vốn vào năm 2028. Với mỗi 1 đô la đầu tư vào phòng ngừa, chúng ta có thể tiết kiệm được tới 7 đô la trong công tác phục hồi sau thảm họa. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về tài chính hiện nay để ngăn chặn những chi phí cao hơn nhiều trong tương lai.

Một bức ảnh điển hình về một khu công nghiệp ở Hải Phòng sau khi bị ảnh hưởng bởi Bão Yagi, nhấn mạnh sự cần thiết của cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Nguồn ảnh: Internet

Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của các quốc gia khác để xây dựng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Nhật Bản, ví dụ, đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng chống chịu sau trận động đất và sóng thần tàn khốc năm 2011. Với một chiến lược quản lý rủi ro thảm họa toàn diện, Nhật Bản đã giảm thiểu chi phí phục hồi bằng cách đầu tư trước vào các giải pháp dài hạn, tiết kiệm được hàng tỷ đô la mỗi năm trong các thiệt hại tiềm năng. Tương tự, mô hình đầu tư vào quản lý nước và phòng chống lũ lụt của Hà Lan mang tính tham khảo rất lớn cho các quốc gia như Việt Nam, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng.

Thiệt hại kinh tế cùng lúc đến từ việc hoạt động kinh doanh và thị trường bị gián đoạn và những nỗ lực phục hồi của cả người dân và chính phủ. Nguồn ảnh: Internet

Hướng tới tương lai: Đâu là những nguồn lực tài chính khả dụng?

Kế hoạch Phát triển Thị trường Trái Phiếu Xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã thể hiện tiềm năng trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững, nhưng khoảng cách tài chính vẫn còn lớn. Các hình thức hợp tác công – tư, quỹ khí hậu quốc tế và trái phiếu xanh là những nguồn tài chính quan trọng cần được mở rộng quy mô. Trên toàn cầu, khoảng cách tài chính cho cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu lên tới 3,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Đối với Việt Nam, việc đảm bảo một sự kết hợp của các nguồn vốn công, đầu tư tư nhân và các công cụ tài chính xanh sẽ là yếu tố quan trọng.

Chuyển đổi xanh – Tài chính xanh sẽ mở ra hướng đi cho một tương lai bền vững. Nguồn: NPT UK

Các nước như Đức đã chứng minh rằng các chính sách hiệu quả cho tài chính bền vững có thể mang lại kết quả đáng kể. Chuyển đổi năng lượng tái tạo của Đức, được tài trợ chủ yếu thông qua trái phiếu xanh và các quỹ quốc tế, đã thiết lập tiền lệ cho việc huy động vốn thành công cho các dự án chống chịu biến đổi khí hậu. Bằng cách sao chép các mô hình tài chính này, Việt Nam có thể định vị mình là một nước dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của Đông Nam Á.

Con đường phía trước

Việc thay đổi góc nhìn về chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu như một khoản đầu tư cần thiết cho tương lai thay vì một gánh nặng về tài chính là điều cấp thiết. Những tác động về cả kinh tế và xã hội của các yếu tố ngoại ứng tới từ việc không hành động sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của một bộ phận không nhỏ người dân và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng. Đặc biệt, bài toán đưa ra từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) càng chứng minh tầm quan trọng của việc hành động kịp thời – khi bộ phận nòng cốt của nền kinh tế đang trở nên dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam và trên toàn thế giới, đã đến lúc đầu tư vào khả năng chống chịu và phục hồi. Chi phí trong tương lai của việc không hành động sẽ vượt xa chi phí đầu tư hiện tại. Bằng cách định giá đúng các yếu tố ngoại ứng này, chúng ta có thể hướng tới một nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn, nơi việc tái cấu trúc để trở nên mạnh mẽ hơn trở thành chuẩn mực mới, và nơi các doanh nghiệp, đặc biệt là các SMEs, có thể phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

ESGs & Climate Consulting tiến phong đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh và phi carbon hóa doanh nghiệp của mình.

Lời kết

Việt Nam đang nỗ lực tích cực để thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững. Các chương trình và chính sách (đặc biệt về tài chính) đang được triển khai nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của đất nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển. Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm là yếu tố quan trọng để xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam và toàn thế giới.