Sáng ngày 18/01/2024, đoàn cán bộ quản lý của Trung tâm Liên kết Quốc tế – Trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT (Viện Đào tạo Quốc tế FPT), đã có buổi đến thăm và làm việc với đại diện BCH Hội Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn TPHCM (HSIA). Đây là hoạt động thiết thực nhằm phối hợp, kết nối doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn để cung ứng nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Tiếp đoàn có ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội HSIA; PGS – TS Lâm Quang Vinh, Phó Chủ tịch TT HSIA; ông Đoàn Kim Thành, UV BCH HSIA; bà Văn Thị Minh Hoa, TTK HSIA…
Về phía Trung tâm Liên kết Quốc tế – Tổ chức giáo dục FPT (Tên thường gọi: Viện Đào tạo Quốc tế FPT), có các vị:
– Thầy Dương Trọng Phú Sơn – Trưởng ban Quản lý đào tạo Viện Đào tạo Quốc tế FPT.
– Anh Đoàn Khắc Hưng – Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp
– Anh Dương Hữu Nghĩa – Trưởng ban Tuyển sinh FPT Jetking
– Chị Đỗ Thị Diễm My – Ban Tuyển sinh FPT Jetking.
– Thầy Trương Huy Hoàng – Giảng viên chuyên môn FPT Jetking.
Cùng tham dự có cán bộ ở các phòng ban của Viện Đào tạo Quốc tế FPT.
Theo đó, dự kiến vào giữa tháng 3/2024, Viện Đào tạo Quốc tế FPT sẽ tổ chức 1 buổi hội thảo với chủ đề “Giải cơn khát nhân lực ngành bán dẫn” tại TP.HCM, với mục tiêu kết nối với các đơn vị hàng đầu trong ngành, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước và cộng đồng quan tâm ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Đồng thời, sự kiện này sẽ mang lại những thông tin mới nhất, cập những những công nghệ bán dẫn mới trên thế giới cũng như tại Việt Nam với những diễn giả đến từ Việt Nam và quốc tế, có sức ảnh hưởng nhất định trong ngành.
Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc tại lĩnh vực bán dẫn. Trong khi đó, ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực lớn và chất lượng rất cao. Do vậy, thách thức lớn nhất Việt Nam đang gặp phải khi phát triển công nghiệp bán dẫn là nguồn nhân lực.
Theo dự báo của một số chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực từ trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực bán dẫn, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000.
Bên cạnh việc đào tạo kỹ sư, cử nhân để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài, trước mắt, các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học cần đào tạo ngắn hạn cho sinh viên về một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin, trong đó có lĩnh vực bán dẫn. Thời gian đào tạo có thể từ 6 tháng đến 1 năm nhằm kịp thời cung ứng nhân lực cho ngành này.
Viện Đào tạo Quốc tế FPT và Hội HSIA sau khi trao đổi đã thống nhất sẽ cùng phối hợp tổ chức và đồng hành trong một số hoạt động như kết nối với cộng đồng các doanh nghiệp ngành vi mạch bán dẫn để cung ứng nhân lực, trước mắt trong lĩnh thiết kế vi mạch; cùng tham gia triển khai buổi hội thảo lần này nhằm mang lại hiệu quả cao; phối hợp hỗ trợ mời các chuyên gia cùng tham gia giảng dạy các khoá học…
Đặc biệt, HSIA hỗ trợ công tác truyền thông thông qua CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, để quảng bá chương trình đào tạo chứng chỉ nghề (thiết kế vi mạch) đến cộng đồng, công tác tuyển sinh, hỗ trợ thu hút học viên vào học; hỗ trợ xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như các hoạt động khác của Viện Đào tạo Quốc tế FPT…
Được biết, FPT Jetking trực thuộc Tổ chức Giáo Dục FPT. FPT Jetking là hệ thống được liên kết đào tạo giữa Tổ chức Giáo Dục FPT và Học viện Jetking (Ấn Độ) đào tạo các chứng chỉ nghề chuyên sâu.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được Jetking (Ấn Độ) cấp bằng có giá trị toàn cầu (Higher Diploma).
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2011, FPT Jetking đang đào tạo ngành Quản trị An ninh mạng & Đám mây, và sắp tới đây sẽ cho ra mắt chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn dự kiến vào tháng 03/2024.
Lễ ký kết chuyển giao chương trình đào tạo Quốc tế giữa Học viện Jetking (Ấn Độ) và FPT Jetking sẽ được ra tại Mumbai vào cuối tháng 01/2024.