Chiều ngày 30/6/2024, tại Trường Cao Đẳng Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cựu sinh viên Úc tổ chức Hội thảo về tín chỉ carbon trong nông nghiệp. Đây là Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, hơn 50 cựu sinh Úc và các đối tác quan tâm đã tích cực giao lưu và thảo luận và tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon như thị trường và cơ chế tín chỉ carbon, ứng dụng bền vững trong nông – lâm nghiệp và các dự án – công nghệ nổi bật trong lĩnh vực này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp tại TP. Đà Lạt.
Nhiều chính sách hỗ trợ Việt Nam của Chính phủ Úc với chương trình ACIAR
Tại Hội thảo, ông Benjamin Davis – Bí thư thứ nhất về Kinh tế, đại diện Đại sứ quán Australia cho rằng Việt Nam là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Để ứng phó, Việt Nam cần quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, tăng cường năng lượng tái tạo.
Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, Chính phủ Úc đã đưa ra nhiều chính sách về tín chỉ carbon và thị trường carbon, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.
Hội thảo lần này sẽ giúp cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam có thể tích lũy kiến thức về thị trường và cơ sở dữ liệu liên quan đến tín chỉ carbon; được cung cấp công cụ cần thiết để thẩm định thị trường carbon.
Đồng thời, Hội thảo còn hướng đến liên kết các cựu sinh viên Úc và các chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm, phát huy kiến thức học tập từ các chương trình đào tạo của Úc, qua đó thúc đẩy họ tham gia ngày càng sâu rộng vào việc phát triển mạng lưới nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường. Đặc biệt ngoài các lĩnh vực nghiên cứu, kinh doanh, đầu tư, hợp tác, Hội thảo còn mở rộng phạm vi phát triển giáo dục và thực hành nông nghiệp, tạo ra mạng lưới về phát triển kinh tế bền vững.
Trên thị trường carbon, Việt Nam hoàn toàn có thể biến lượng carbon thành hàng hóa, có thể mua đi và bán lại tín chỉ carbon trên thị trường. Tín chỉ carbon là lượng giảm phát thải, tăng hấp thu carbon so với tham chiếu, được bên thứ 3 độc lập thẩm định, xác minh; được đăng ký và công nhận.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
Thiếu cơ chế pháp lý trong bối cảnh nhiều thách thức
Từ năm 2023, Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thành công việc mua bán tín chỉ carbon cho ngành lâm nghiệp Việt Nam. Đối với nông nghiệp, cơ chế thẩm định, lập hồ sơ và đánh giá các loại carbon ở nước ta còn đang trên lộ trình xây dựng cơ chế pháp lý. Điều này cần thiết phải được đẩy nhanh để Việt Nam có thể tham gia sớm vào thị trường carbon toàn cầu.
Theo TS Nguyễn Văn Bích, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho dù có nhiều cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon, thách thức đi kèm cũng còn rất nhiều, bao gồm: Việt Nam là nước đang phát triển, tình trạng bùng nổ công nghiệp hóa, đô thị hóa, tiêu dùng… dẫn đến nhu cầu và an ninh năng lượng chưa thật vững chắc.
Trên thực tế, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch còn cao, thậm chí rất cao so với các nước khác trong khu vực. Điện và nhiên liệu được sử dụng nhiều vào các lĩnh vực luyện kim, vật liệu xây dựng phát thải cao và giá trị gia tăng thấp. “Nền văn minh lúa nước” phát thải nhiều Methane và Dioxit Nitor không dễ thay đổi.
Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều khoảng trống pháp lý trong các hoạt động đào tạo, cấp phép, kiểm kê, công nhận tín chỉ carbon. Việc thiếu thông tin về thị trường carbon, thiếu năng lực và sự tự tin khi xây dựng phương pháp luận sẽ dẫn đến dễ bị phụ thuộc và cuối cùng là thua thiệt trên thị trường mới nổi này.
Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam trên thị trường carbon
Theo TS Phạm Thu Hiền, chuyên gia cao cấp, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ Úc (CSIRO), từ năm 2013, Việt Nam đã tham gia cơ chế tín chỉ chung để phổ biến công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ít phát thải carbon, tiến hành các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đến nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đạt ngưỡng giảm thải carbon đề ra trong mục tiêu đóng góp quốc gia tự nguyện. Năm 2022, Việt Nam đạt tỷ lệ giảm phát thải 6,8%, cao gấp đôi so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã cấp 4.415 tín chỉ carbon.
Thị trường carbon hiện nay, có 2 loại: bắt buộc và tự nguyện. Thị trường carbon bắt buộc được qui định và áp dụng trong phạm vi quốc gia, ví dụ thuế carbon, hạn ngạch phát thải, hệ thống thương mại phát thải. Thị trường carbon tự nguyện là sáng kiến dựa trên khoa học, vận hành dựa trên tiêu chuẩn carbon, thương mại carbon giữa các tổ chức theo cơ chế tự nguyện. Trao đổi tín chỉ carbon là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Cũng theo TS Phạm Thu Hiền, hiện nay nông nghiệp carbon có 3 loại chính, gồm phương pháp nông nghiệp: lưu giữ carbon trong đất, giảm phát thải từ nông nghiệp và đất đai; phương pháp thực vật: loại bỏ carbon dioxide từ khí quyển và lưu trữ nó dưới dạng carbon trong thực vật; phương pháp đốt savanna: các biện pháp quản lý lửa (như ta thấy ở miền Bắc Úc).
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể dựa trên các phương pháp và kinh nghiệm này để giúp giảm phát thải carbon hiệu quả, tham gia vào các kế hoạch dài hạn hơn trong cuộc chơi thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Một số hình ảnh Hội thảo: