Mỗi đêm hội lớn tại TPHCM như đêm giao thừa, tết Dương lịch, tết Âm lịch và các ngày lễ lớn, cảnh tượng đường phố ngập tràn rác thải đã trở thành quen thuộc và đã trở thành nỗi ám ảnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh thành phố.
Từ lễ hội đón giao thừa vừa qua hàng tấn rác nhựa, hộp cơm, chai lọ… bị vứt bừa bãi khiến thành phố không còn đẹp trên hành trình net zero. Để lại sau lưng những đống rác thải chất đống bừa bãi như thế, liệu có phải cách ứng xử văn minh không?
Dĩ nhiên số lượng rác tăng cao trong những ngày lễ là điều dễ hiểu. Nhưng sự thiếu ý thức, vứt rác không đúng nơi quy định mới thực sự đáng lên án. Bởi lẽ hành động đó cho thấy sự vô trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời cũng phá vỡ cảnh quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thành phố.
Đây không phải lần đầu các cơ quan chức năng phải đối mặt với vấn nạn trên nhưng rõ ràng giải pháp cho vấn đề này vẫn là việc tăng cường nhân lực dọn dẹp. Do đó, tình trạng xả rác thải bừa bãi “hậu lễ hội” vẫn lặp lại theo năm tháng.
Thật đáng lên án trước thái độ vô ý thức của không ít người dân và du khách khi tham gia lễ hội. Lễ hội không thể là lý do để biện minh cho việc cố ý xả rác bừa bãi, bôi nhọ không gian chung. Điều đó cũng phản ánh một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức công dân, coi thường phép nước.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên chính là do nhận thức và ý thức công dân kém cỏi của một bộ phận không nhỏ người dân. Các hình thức tuyên truyền vẫn chưa thực sự hiệu quả để thay đổi thói quen tiêu cực đã có từ rất lâu.
Trước thực trạng trên, chính quyền TPHCM cần có những biện pháp quyết liệt để xử lý triệt để vấn nạn “xả rác bừa bãi hậu lễ hội”. Công tác tuyên truyền ý thức công dân cần được đẩy mạnh, kết hợp với các hình thức xử phạt, răn đe thích đáng. Cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức công cộng về bảo vệ môi trường. Tăng cường hướng dẫn người dân vứt rác đúng cách.
- Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và phương tiện hiện đại và nhân lực để thu gom, xử lý rác thải nhanh chóng, kịp thời tại các điể thu gom tập trung trong và sau lễ hội.
- Tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với người vứt rác không đúng nơi quy định. Áp dụng hình thức phạt lao động công ích hoặc phạt tiền để tăng tính răn đe.
- Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong các lễ hội.
Bên cạnh đó, vai trò và ý thức tự giác của mỗi người dân cũng vô cùng quan trọng. Chúng ta không nên quan niệm rằng lễ hội là dịp để tạm bỏ mặc các quy định, hay vứt rác bừa bãi. Thay vào đó, hãy cùng chung tay góp sức xây dựng nên một thành phố xanh – sạch – đẹp, nhân văn và văn minh. Hy vọng rằng thông điệp ý thức công dân trên sẽ được lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với môi trường sống.
TS Bùi Hồng Quân