Các “ông lớn” công nghệ có kế hoạch tạm dừng, chuyển dự án tỉ đô ra khỏi Việt Nam

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), vào ngày 03/7, dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một báo cáo liên quan đến Dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư sắp được công bố, những tập đoàn toàn cầu lớn về công nghệ đang xem xét không mở rộng đầu tư vào Việt Nam hay bỏ qua để đầu tư vào các nước khác.

Lời cảnh báo liên quan đến Dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư

Theo báo cáo, trong thời gian qua, có nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, thậm chí có đại diện tập đoàn đã ký bản ghi nhớ, nhưng lại chuyển dự án đầu tư sang các nước khác. Điển hình là các BigTech như Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC.

Công ty LG Chemical từng đề nghị thực hiện dự án sản xuất pin tại Việt Nam với yêu cầu hỗ trợ chi phí sản xuất 30% bằng tiền mặt; cuối cùng quyết định chọn đầu tư dự án này tại Indonesia.

Công ty LG Chemical quyết định chọn đầu tư dự án tại Indonesia.

Tập đoàn Intel từng đề nghị dự án đầu tư sản xuất chip vốn 3,3 tỷ USD với yêu cầu Việt Nam hỗ trợ 15% bằng tiền mặt; cuối cùng cũng quyết định đầu tư tại Ba Lan, tuy cho rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng khi nhu cầu chất bán dẫn đang tăng”. Trong khi đó, Intel đã có một nhà máy kiểm thử và đóng gói chip ở TPHCM với khoảng đầu tư 1,5 tỷ USD.

Tập đoàn AT&S của Áo chuyên sản xuất bảng bo mạch in cao cấp từng tiến hành khảo sát và đề nghị đầu tư, nhưng rồi quyết định đầu tư tại Malaysia vì Việt Nam không thể hỗ trợ đầu tư và thiếu công nhân lành nghề khi thực hiện dự án.

Tập đoàn AT&S của Áo chuyên sản xuất bảng bo mạch in cao cấp có trụ sở tại Malaysia

SMC (Nhật Bản) cũng đang xem xét lại dự án sản xuất thiết bị y tế với vốn đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai. Ngoài ra, một số dự án mở rộng đầu tư sản xuất các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta cũng đang có dấu hiệu chững lại.

Đặc biệt, Samsung có thông báo sẽ chuyển dịch một số dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ trong bối cảnh Samsung hiện nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với các dự án lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư lên đến 22,4 tỷ USD. Năm 2023, doanh thu 65 tỷ USD và xuất khẩu 55,7 tỷ USD của Samsung là con số rất ấn tượng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trụ sở Samsung tại Ấn Độ

Tác động của Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là Thuế tối thiểu toàn cầu) nằm trong của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting – BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013.

Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, được áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 800 triệu USD trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất.

Chương trình hành động BEPS được cụ thể hóa bằng “Công ước đa biên về thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận” (MLI) đã được xây dựng vào năm 2016, thu hút sự tham gia của 141 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Một hội nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế

Là thành viên của MLI từ tháng 02/2022, Việt Nam sẽ phải triển khai áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 01/01/2024 đối với khoảng 122 tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam, theo số liệu của cơ quan thuế. Trong đó, hơn 1000 doanh nghiệp liên quan nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia sẽ chịu những ảnh hưởng gián tiếp .

Thời gian qua, để thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: ưu đãi về thuế suất; miễn, giảm thuế có thời hạn; cho phép chuyển lỗ khi tính doanh thu chịu thuế có thời hạn; miễn thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài; hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh hay những ưu đãi về thuế đất, giảm tiền thuê đất, …

Cơ chế ưu đãi thuế này giúp cho thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI chỉ là 12,3%, thậm chí một số tập đoàn lớn về công nghệ mà Việt Nam đang ưu đãi hết lòng, chỉ chịu mức thuế từ 2,75% đến 5,95%.

Các nhà đầu tư FDI lớn ở Việt Nam hiện đang đóng thuế bình quân ở mức từ 7 đến 10%/năm, nếu áp thuế 15% theo Thuế tối thiểu toàn cầu thì số thuế chênh lệch nhà đầu tư phải đóng thêm rất lớn. Nếu không đóng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam thì nhà đầu tư vẫn phải đóng khoản chênh lệch thuế ở quốc gia, nơi đặt trụ sở chính.

Vì vậy, với Thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, những ưu đãi thuế đang áp dụng hiện tại sẽ không còn là thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới và giữ chân các nhà đầu tư lớn đã đầu tư trong thời gian trước đây.

Thách thức nội tại từ cơ chế đến quy mô doanh nghiệp và nguồn nhân lực

Chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành liên quan đến các doanh nghiệp nước đầu tư trực tiếp FDI của Việt Nam chưa ổn định, chậm thay đổi so với chuyển biến của kinh tế thế giới. Việc thực thi pháp luật có lúc chưa nghiêm minh, thiếu nhất quán… Đây là thách thức đầu tiên đối với đầu tư.

Cuộc cải cách nền hành chính quốc gia tuy đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng lực cản cải cách còn khá lớn do đụng chạm đáng kể đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và tình trạng giấy phép con đang tồn tại khá dai dẳng.

Một bộ phận cán bộ quản lý, công chức, viên chức vẫn làm việc theo lề thói cũ, chưa tận tụy với công việc, thiếu linh hoạt trong công vụ nên gây phiền hà không ít cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đây có thể gọi là thử thách cần ghi nhận.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn ở quy mô vừa và nhỏ, vốn tích lũy không nhiều, và do đó chậm đổi mới công nghệ, cộng với nguồn nhân lực chuyên môn chưa cao, số lượng chưa nhiều là thực tế đáng quan tâm, không thể phủ nhận.

Con đường nào cho Việt Nam giữ chân các “ông lớn” công nghệ

Trong cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội hai tháng đầu năm 2024, Thủ tướng giao các bộ ngành phải có giải pháp để “giữ chân” các tập đoàn công nghệ lớn đang đầu tư như Intel, Foxconn, Samsung,… trong bối cảnh triển khai áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam theo công ước quốc tế.

Theo các chuyên gia, về căn bản, Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi; giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính; tăng cường sự minh bạch;… Muốn được vậy, Việt Nam phải bắt tay ngay vào việc rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng cải thiện toàn diện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ, ….

Đó chính là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến quyết định đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các “ông lớn” công nghệ.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải triệt để cải thiện môi trường đầu tư, cần sớm có giải pháp bù thuế tối thiểu toàn cầu cho nhà đầu tư để không chỉ giữ chân mà còn thu hút thêm nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu đến đầu tư mới và mở rộng đầu tư.

Chuyên gia Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Muốn vậy, chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại của Việt Nam phải đa dạng, linh hoạt, bắt kịp thực tiển trong bối cảnh tình hình đầu tư công nghệ, cơ chế tài chính về cạnh tranh toàn cầu luôn thay đổi. Chính sách ngoài hình thức ưu đãi một số thuế, ưu đãi tiền thuê đất, cần có chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp vào chi phí đầu tư theo quy mô và tiến trình thực hiện dự án.

Khi xây dựng Dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ Đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất Chính phủ cần có giải pháp cấp bách ứng phó với tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu, nhằm hạn chế tình trạng khoanh vốn đầu tư, thu hẹp đầu tư và ngăn chặn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư lớn đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế nước nhà.

Quỹ hỗ trợ đầu tư hoạt động và vận hành thông qua phương thức chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, phát triển sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo,…

Nội dung Dự thảo Nghị định đề xuất giải pháp thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn thu bổ sung từ Thuế tối thiểu toàn cầu và nguồn ngân sách nhà nước khác, nguồn ngoài ngân sách như lãi tiền gửi, thu từ hoạt động sự nghiệp phù hợp, các khoản đóng góp tài trợ.

Đón đầu thời điểm áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách hỗ trợ chi trực tiếp bằng tiền dưới nhiều hình thức khác nhau vào cuối tháng Năm vừa qua.

Malaysia đã tuyên bố đầu tư 107 tỉ USD dành cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Cụ thể là gói đầu tư hướng trực tiếp thành lập 10 công ty tại các địa phương bằng các ưu đãi như: giảm thuế, trợ cấp bằng tiền và miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ lớn.

Các cường quốc Mỹ và Liên Âu (EU) đã đầu tư hỗ trợ gần 81 tỉ USD vào sản xuất thế hệ chip tiên tiến. Với Đạo luật Chip và Khoa học ban hành vào năm 2022, chính quyền Mỹ cũng cung cấp 39 tỉ USD hỗ trợ và gói 75 tỉ USD tín dụng ưu đãi cho các nhà sản xuất chip bán dẫn.

Đạo luật Chip và Khoa học ban hành vào năm 2022

Hàn Quốc đầu tư 19 tỷ USD cho ngành chip bán dẫn, trực tiếp hướng vào các chương trình hỗ trợ tài chính, nghiên cứu sáng tạo và phát triển với kỳ vọng sẽ giúp nước này khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường thế giới chip. Trọng tâm của gói đầu tư là 12,5 tỷ USD dành riêng cho cơ sở hạ tầng công nghệ do ngân hàng phát triển Hàn Quốc triển khai.

Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ gói tài chính cho Công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan lên tới 2,78 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí xây dựng và hoàn thành nhà máy chế tạo chip tại đất nước Hoa Anh đào.

Như vậy, hiện nay trong thời điểm Thuế tối thiểu toàn cầu – một thực tế khách quan theo thông lệ và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và áp dụng từ ngày 01/01/2024, việc xây dựng và ban hành Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, hoạt động và vận hành thông qua phương thức chi trực tiếp bằng tiền, mang tính cấp bách hơn bao giờ hết. Muộn còn hơn không!

Nguyễn Xanh

Link trực tiếp Xoilac TV full HD

Kênh trực tiếp bóng đá CakhiaTV free

Trực tiếp bóng đá 90 Phut hôm nay